Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

TÌNH BẠN

 Trước khi chết tôi muốn nói hết những gì thật nhất. Mong các bạn xem tất cả những gì từ hôm nay tôi nói là như một lời trăn trối tôi xin gởi lại những người đã đi qua đời tôi

TÌNH BẠN

     Chuyện rằng ngày ấy Thỏ và Gấu rất thân nhau. . .

     Một lần trong cùng cuộc hành trình do bất đồng quan điểm Gấu tát vào mặt Thỏ một cái. Thỏ lặng lẽ ngồi xuống ghi lên cát dòng chữ:

      Hôm nay Ngày . . . tháng . . . năm anh Gấu đã tát Thỏ.

     Rồi cả hai tiếp tục lên đường. Đến một dòng suối chảy xiết Thỏ lỡ chân té nhào xuống dòng xoáy. Gấu liền liều mạng nhảy xuống  cứu Thỏ lên. 

       Lần này Thỏ cũng cẩn thận ghi lại:

       Hôm nay ngày  . . . tháng . . . năm  . . . anh  Gấu đã cứu Thỏ thoát khỏi dòng nước xoáy.

        Nhưng  khác lần trước lần này Thỏ không ghi lên cát mà hì hục đẽo dòng chữ ấy lên đá. Thấy vậy Gấu hỏi:

        Sao không ghi lên cát như lần trước cho nhanh.

       Thỏ đáp:

        Những gì không đẹp trong tình bạn tớ ghi lên cát cho gió thổi bay đi còn những gì cao trọng tớ sẽ tạc vào đá cho ngàn năm lưu giữ.

 ***

Tôi kể các bạn nghe về tình bạn của tôi và linh mục Vũ Văn Quyên. Tôi không sợ “phạm húy” vì khi tôi nhận là học trò thì Ngài bảo bạn là đúng nhất.

 Chúng tôi đã từng đùa với nhau là hãy cắt máu ăn thề rồi sau đó quyết định đổi cụm từ nhân xưng “Cha- Con” trong giao tiếp thường ngày bằng cụm từ “Cậu - tớ”.

Tình bạn ấy đẹp lắm . . .  

Một lần ngực nhói buốt và tôi nghĩ tới cái chết. . .

     Người ta chở tôi đi viện.

 Cơn khó thở qua đi. Mở mắt ra tôi thấy quá nhiều người. Tất cả đều do Ngài gọi đến. Mọi mệt nhọc trong tôi không cánh mà bay.

 Trưa thấy khỏe tôi xin về. Vừa tới nhà Ngài gọi:

 Sao rồi?

Chưa chết, cứ tưởng không gặp được con gái. Tôi đáp.

Cũng nghĩ vậy à! Tớ lo lắm, mười giờ đàng thánh giá mới xong.

Chưa bao giờ tớ bị như vậy cả, mọi lần nhẹ hơn. Tôi nói.

Cậu có biết tớ làm gì hong? Giọng trầm hẳn xuống Ngài nói tiếp:

Lo lắm nên xướng vội kinh Lạy cha và ba kinh Kính mừng rồi vào nhà thờ xin Đức mẹ. Rồi không an tâm chạy ra xướng thêm 3 kinh nữa để qua đài thánh Martin khẩn cầu xin Người chờ con tới 10h30.

 Nước mắt tôi chảy ra. Cảm xúc đan xen. Hạnh phúc, bình yên và chút dằn vặt vì đã làm Ngài lo lắng.Tôi nguyện suốt đời này dẫu Ngài có làm tôi đau lòng bao nhiêu tôi cũng sẽ tha thứ.

   Tôi bình phục nhanh như có phép mầu và tạ ơn Chúa bằng cách riêng đã  đưa tôi qua cơn nguy khốn.

 Ngài còn nói thêm:

Cậu có biết tớ đọc cho cậu nhiều kinh lắm hong?

Lời cảm ơn đã vụt ra trên môi miệng của kẻ ít nói bằng lời như tôi.

 ***

     Trong cuộc sống đau khổ, bệnh tật là những thứ dễ làm người ta chán nản, nỗi loạn và khó giữ vững niềm tin nhất. Biết vậy nên lúc nào Ngài cũng khuyên tôi xức dầu.

 Còn tôi-Một phụ nữ có chút cao ngạo thì thật khó chấp nhận được sự bế tắc đó.Cho nên Ngài thường nói: 

Chẳng lẽ hỏng cho người bạn này cái ân huệ đó sao?! 

Rồi một lần thấy tôi khóc vì bế tắc. Ngài nói:

Chủ nhật này về Nha trang chơi nghen! 

Tôi biết Ngài muốn mẹ tôi động viên tôi và sợ tôi nghĩ quẫn. Tôi xin lỗi vì đã làm Ngài buồn và lo lắng. Ngài nói:

Không buồn khi có người nào đó làm cho mình buồn. Chỉ buồn khi có người muốn làm chuyện dại dột.

Và trong Thánh lễ hôm ấy với dụ ngôn“ Người đàn bà ngoại tình”. Ngài giảng về sự bắt đầu của một cuộc sống .Ngài khuyên tôi phải biết từ bỏ quá khứ, tạo dựng một cuộc đời mới để quên đi những đau khổ.

Ngài minh chứng bằng lời Chúa trong bài đọc 1: 

Chớ nhớ lại chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về việc thuở trước.

Và lời của thư Philiphê trong bài đọc 2:

Tôi chỉ chú ý một điều là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích (Pl 3,13-14)

Cuối cùng Ngài minh chứng bằng lời Chúa trong Tin mừng hôm ấy:

 Từ nay chị đừng phạm tội nữa. 

Với 3 móc thời gian đó Ngài nhắc tôi hãy bước đi những bước đi của ngày hôm nay. Hãy quên tất cả mà đi về phía trước vì tôi đã có Chúa.

 Chúng tôi chia xẻ cho nhau niềm vui & nỗi buồn.

 Gia đình tôi xem Ngài là con. Và tôi cũng xem gia đình Ngài là người thân của mình. Những ngày tôi đau ốm bệnh tật đều do chị và em gái Ngài chăm sóc.

Vậy mà sóng gió đã đổ ập vào tình bạn của chúng tôi. . . 

 ***

 Cái lần tôi tự ý đưa người phụ nữ ung thư tử cung giai đoạn cuối đến một nhà thờ khác để xin cho chị được rửa tội trước lúc chết khi mà trước đó tha thiết thiêng liêng của chị ấy đã bị cha sở của Ngài từ chối. Tôi vô tình trở thành kẻ thiếu thiện cảm của Cha Trung.

... Hôm đó bước chân đến nhà thờ tôi gặp cảnh thương tâm. Một phụ nữ ung thư tử cung giai đoạn cuối đang nằm bẹp dí bên thềm cung Thánh. Xung quanh là mấy vị trưởng hội đoàn lắng nghe mệnh lệnh của cha xứ. Ngài nói:

 Nếu ai giúp cho chị ấy thì phải chịu trách nhiệm.

Nói xong Ngài vào Thánh đường làm giờ kinh thương xót.

 Kết thúc giờ kinh. Cha sở tôi bước về nhà xứ. Ngài lạnh lùng đi qua người đàn bà đang nằm dưới đất không thèm rớt xuống một cái nhìn.

 Đang miên man suy nghĩ tôi bừng tĩnh vì giọng nói của một người phụ nữ trong nước mắt:

Tôi nói thật, tôi sẽ bỏ đạo vì ông cha này.! 

Tôi tức đến mức nãy giờ không đọc được câu kinh nào hết.

Rồi chỉ vào người đàn bà đang nằm dưới đất chị ấy nói:

Tôi nói chị này sẽ lên thiên đàng còn ông cha kia xuống hỏa ngục.

Nếu chị này đến đây bằng xe hơi có lẽ được đón tiếp rồi.

Rồi bà huê huê tay như có ý kêu gọi mọi người:

Bỏ xứ này mà đi đi! 

 Tôi tò mò đứng lại và đã hiểu tận tường sự việc:

 Thì ra người đàn bà sắp chết đó là một người ngoại đạo. Chị có chồng và hai con. Chia tay chồng chị lên thành phố rồi quen với một thanh niên công giáo. Nhìn sự lam lũ kia đủ biết họ là hình ảnh của những con người tha phương cầu thực.

 Một thời gian sau chị bị ung thư tử cung. Hiện đang ở giai đoạn cuối.

  Ngày ngày anh thanh niên công giáo kia vẫn chạy chợ bán rau lo cho hai đứa con chị và những đợt xạ trị mà ai trong chúng ta cũng có thể tưởng tượng ra số tiền phải chi trả. Cảm kích trước nghĩa cử của anh chị đã cho hai con đi học giáo lý. Một đứa đã thêm sức và một đứa cũng đã kịp rữa tội.

 Liên tục ba ngày nay điều chị xin ở cha Trung không phải đồng tiền bát gạo mà là ước ao được rửa tội để về với Chúa trước khi chết. Nhưng Ngài đã không đồng ý.

 Không phải tôi đồng tình với lời lẽ nặng nề của người giáo dân kia. Nhưng ở đó tôi có chút thông cảm. Vì thường thì ở đâu có tình yêu thương nơi đó mới có sự lên tiếng bảo vệ tình yêu ấy. Nếu chị cũng lạnh lùng như những ông trùm, ông biện. Khô lòng như các bà trưởng hội đoàn khi nghe cha sở nói đã vội quay lưng như sợ lỗi nghĩa cùng cha hơn là lỗi nghĩa với Chúa thì làm gì có chuyện phẫn nộ kia khi thực tế ở đó quyền lợi của chị ấy hoàn toàn không bị xâm hại.

 Nhìn người đàn bà bệnh tật trong tôi có hai sự đồng cảm lớn: 

 Thứ nhất là chông gai mà mẹ con tôi phải chịu từ nguyên tắc của các cha.

  Thứ hai tôi cũng đang bệnh nan y & đã đấm nát tay xin lòng thương hại của những người Ki tô hữu cho hai đứa trẻ mồ côi con tôi để rồi cái tôi gặp cũng không ngoài những tảng băng kinh hoàng kia.

 ***

 Tôi quyết định thuê Taxi chở chị ấy đến nhà thờ khác giúp chị thực hiện thao thức của mình.

  Hôm nay chị mặc bộ đồ thật đẹp. Gương mặt chị sáng lên một cách kỳ lạ. Tôi không có khả năng diễn tả hết niềm vui ấy nhưng ánh mắt mang ơn chị dành cho tôi đủ để tôi thấy khát khao về với Chúa của chị là vô cùng.

 Chị nói: 

 Suốt đêm em không ngủ vì sợ cha bên đó cũng không giúp em về với Chúa.

 Nhìn đôi chân đã nghẽn mạch và bắt đầu hoại tử đang lê từng bước dưới đôi tay khỏe mạnh của chàng thanh niên công giáo và nghĩ đến hai con chị tôi thấy người đàn bà đó may mắn hơn tôi rất nhiều.

 Chị đã có một điểm tựa vững chãi từ chàng trai công giáo đức hạnh kia .

Chúa sắp đặt nên chúng tôi vừa lên xe thì cha Trung cũng bước tới. Ngài nói:

 Có đi chữa bệnh thì đi. Việc đạo để đó cho cha.

  Tiếng một ông trùm: 

 Tạ ơn Chúa đã đánh động lòng Ngài.!

 Quay sang tôi chị ấy nói: 

 Tất cả đều nhờ có chị. Chị đưa em đi em đi, để em lại em ở lại.

 Tôi nghĩ để chị lại nếu chị có mất cũng có quyền lợi giáo xứ. Nhưng cũng không ngoài lý do tôi không muốn cha sở tôi khó xử.

  Sau đó tôi ra về mà lòng nhẹ như bay khi nghĩ mình đã mang lại cho người sắp chết một niềm vui.  Đặc biệt là hoàn tất một việc đáng phải làm.

 ***

 Tôi không ngờ đó là mầm họa lớn nhất đời tôi. . 

 Sự thanh thản của tôi không kéo dài bao lâu tôi đã phải chứng kiến cảnh mấy bà trưởng hội đoàn đang nháo nhác lo cho chú chiên mới nhập đàn.

 Mới hôm qua đây thôi họ còn lạnh lùng quay lưng với chị để bước vội theo chân cha sở và không quên rớt lại những câu như:

 Cha được ơn nên cha mới biết từ chối mà không giúp.

  Cha nói rửa tội rồi chị ấy ân ái với chồng thì mình lỗi nghĩa với Chúa thì sao?

 Thì ra người ta đang lo lắng cho việc người đàn bà kia sẽ làm chuyện chăn gối khi mà chị đang ung thư tử cung giai đoạn cuối. Đùi đã nghẽn mạch và bắt đầu hoại tử. Chỉ một tuần sau đó Chúa đã cất chị ấy ra đi.

 Sự trung thành của họ dành cho Chúa không làm tôi cảm động mà làm tôi hãi hùng.

 Nhìn họ lăng xăng trong ngày rửa tội của chị tôi thiếu đức ái khi chua chát nghĩ:

 Người ta đang xúm nhau khai thác cái khốn nạn của người đồng loại mà khoe khoang cho sự đại lượng của cá nhân.

 Còn cha sở tôi trong cuộc họp thông báo:

 Tôi vừa giúp một người trở lại, lúc đầu tôi không giúp vì tôi muốn thử xem người ta có thật sự khao khát không?

Tôi thấy tiếc cho Ngài. Chỉ cần Ngài cẩn thận hơn chút nữa là đã rửa tội cho xác chết rồi.

 ** *

Sau sự kiện đó Ngài giận tôi ra mặt. Ngài quát mắng tôi mọi nơi, mọi lúc có thể. 

Tôi viết cho Ngài một bức thư xin lỗi và tha thiết mong Ngài hiểu rằng tôi không hề có ý chống đối Ngài.

 Để chứng tỏ thiện chí của mình tôi còn minh chứng  rằng nếu tôi muốn tố cáo Ngài tôi sẽ tố cáo việc Ngài  thu tiền học phí của học sinh giáo lý và cấm đoán mọi người không được làm bác ái bất cứ nơi đâu mà phải đưa hết tiền cho Ngài. Kể cả khi một nhà thờ ở miền tây bị hoả hoạn Ngài cũng cấm giáo dân không được giúp.

 Và nhiều nhiều những điều tương tự.  . . 

Nhưng sự thiện chí không đúng chỗ đó của tôi một lần nữa giáng những cú đấm nặng nề xuống ngay chính đầu mình.

 Sợ bức thư đó lọt đến tay người khác. Một mặt Ngài mở rộng cửa nhà thờ cho các cha đến xin tiền hòng che đậy sự ích kỷ trước đây của mình. Một mặt Ngài cẩn thận gọi điện khắp nơi cảnh báo rằng tôi là kẻ lừa đảo đừng cho tôi đến nhà thờ. 

Còn tôi vì không thể bỏ Chúa nên không còn con đường nào khác là quyết định đến chính ngôi Thánh đường do Ngài làm quản xứ mà đi lễ.

 Lý do thứ nhất là vì tôi muốn chứng  minh rằng tôi không hề lừa đảo nên không phải lẫn tránh ai. 

Lý do thứ hai sự quá khích của Ngài đã nảy sinh trong tôi một sự uất hận  Nên tôi quyết định:

Ai xô tôi ngã nơi nào tôi sẽ đứng dậy ngay nơi đó.

Nhưng sự hiện diện của tôi ở nhà thờ lúc ấy cộng với lời buộc tội của Ngài như: “Nó là kẻ lừa đảo bỏ trốn rồi. Đến nhà thờ người ta sẽ đánh cho mỏ máu không” vô tình trở thành bản án về sự dối trá, vu khống, ti tiện đổ ập xuống đầu Ngài. 

Vì vậy ngoài việc xúi giục một số người cuồng tín quá khích đánh đuổi tôi ra khỏi nhà thờ Ngài còn nhờ Hội đồng  giáo xứ đến nhà thuyết phục tôi đi lễ nơi khác.

Nhìn thấy những cụ bà đã ngoài 80 tuổi đến xin lỗi tôi và nói:

Bà xin lỗi! Cha kêu bà đánh con nhưng bà cầu nguyện thấy con là chiên không  phải là sói.

 Rồi có cả những ông cụ đáng  tuổi ông tôi cũng xin lỗi tôi về sự hồ đồ của mình. Tôi thấy thương giáo dân vô cùng.  

Tôi quyết định viết cho Đức hồng y Mẫn một bức thư cầu xin Ngài hãy làm cách gì để giáo dân bình an. Phán xét tôi xin các ngài hãy nhường quyền cho Thiên Chúa.

 Còn nếu các Ngài không tin vào sự công  minh của Chúa thì hãy để kẻ mà các Ngài cho là đối tượng nguy hiểm như tôi cho pháp luật hiện hành. Cầu xin các Ngài đừng trao tôi vào tay giáo dân mà làm cớ cho họ vấp phạm. Tội nghiệp họ.

Đức Hồng y đã vào cuộc. Ngài về giáo xứ trong một buổi Thánh lễ nói rằng:

         Gíao dân hãy thật sáng suốt không phải cứ cha xứ nói là đúng. 

 Sau đó Đức hồng y yêu cầu cha Trung mời 40 linh mục đến cho gíao dân xưng  tội. Nhưng lời nói yếu ớt của Đức Hồng  y ở cái tuổi “ Thất thập cổ lai hy ” trong Thánh lễ mấy ai mà nghe được. Chưa kể bảy ngàn giáo dân Hạnh Thông Tây vẫn nghĩ rằng họ đang chiến đấu loại trừ kẻ xấu xa như tôi thì ai nhận ra mình có tội mà đi xưng.

Sau đó tôi nghe một linh mục nói rằng Đức Hồng y đã treo chén cha Trung sáu tháng và buộc Ngài phải viết đơn xin từ hết những chức vụ quan trọng mà Ngài đang nắm giữ trong đó có chức vụ gíam đốc phụ trách ơn gọi của cả tổng  gíao phận Sài gòn.

 Nhưng sáu tháng treo chén thì Ngài qua Mỹ du lịch còn đơn xin từ chức thì vì đức ái nên việc xử lý chỉ diễn ra trong nội bộ lãnh đạo giáo hội giáo dân không hề hay biết vì vậy mà làn sóng bạo động vẫn tiếp tục tiếp diễn. 

Tôi đã từng suy nghĩ giá như lúc ấy Đức hồng y yêu cầu cha Trung có một lời xin lỗi công khai với giáo dân thì làn sóng bạo động sẽ tan mất ngay.

 Nhưng xưa nay nếu cụm từ “ Tha thứ” được các linh mục nói nhiều bao nhiêu thì hai tiếng  “ Xin lỗi” các Ngài nói ít lại bấy nhiêu. Các Ngài gần như không biết nói “Xin lỗi! ” ai kể cả khi mình sai phạm. 

Các Ngài quên rằng “Xin lỗi” là thành phần không thể thiếu trong hành trình “Tha thứ”. Vì vậy nếu không có “Xin lỗi” thì cái thứ “Tha thứ” mà các Ngài thường nói chỉ là những lời khoát lác có duy nhất một khả năng ru ngủ và mị dân mà thôi.

Cũng chính vì thiếu vắng hai chữ “ Xin lỗi” ấy mà sân nhà thờ Hạnh Thông Tây ngày nào cũng căng  lên như sắp có đổ máu.

 Thấy không thể trông cậy vào các Ngài tôi đành hăm doạ với chủ tịch Hội đồng giáo xứ rằng nếu một lần nữa tôi bị tấn công tôi sẽ báo công an.

 Hội đồng giáo xứ đã gây áp lực với Ngài và trong áp lực ấy Ngài kịp thời sử dụng triệt để binh pháp Tôn Tử. Bằng chiêu thức “ Tá đao sát nhân”  ( mượn tay bạn giết thù” Ngài đã dùng cha phó mà tấn công tôi.

Với cha phó:

Nó viết thư cho cha nói cha phó yêu nó nhưng mình tin Giuse.

Với giáo dân:

Bảo vệ cha phó kẻo nó yêu mà chụp ôm hôn Ngài.

          Ngài làm vậy vì nếu bạo động có tiếp tục xảy ra thì lỗi là do tôi yêu cha phó chứ Ngài không liên can.

           Cứ thế Ngài đá trái banh ấy sang chân cha phó như một cầu thủ chuyên nghiệp.

          Còn cha Quyên thì ôm gọn quả bóng ấy rồi tiếp tục cho nó phát huy hết công lực trên sân cỏ nhà thờ với bảy ngàn giáo dân vừa là cầu thủ vừa là cổ động viên hết sức trung thành và cuồng nhiệt.

Bên kia mình tôi trong vai tiền đạo, hậu vệ, thủ môn . . . với khung thành trống huơ trống hoắc. Trách sao được khi liên tục nhận lấy những cú xúc nảy lửa từ phía đối phương.

             Phần cha Quyên vì muốn nên đồng  hình đồng  dạng  với Cha xứ ( Sự nghiệp của cha phó từ lâu vốn không còn tuân theo sự quan phòng của Chúa mà nó chạy theo nét bút phê của cha sở mà) nên Ngài đã mượn cung thánh phỉ báng tôi lừa gạt sự chân tình và lợi dụng đức ái mục tử của Ngài.

 Hồi ức về tình cảm giữa tôi và Ngài đã làm tôi đau hơn ngàn tên xuyên thấu.

 Cũng từ ngày ấy cứ tới giờ Ngài giảng là tôi thấy sợ. Tôi co ro như con chim non mắc bão thấy cành cong. Tôi né lời Ngài như người ta né tránh bom đạn. 

 Không biết bao nhiêu lần tôi đóng chặt cửa phòng  và gào khóc thảm thiết rằng:

 Tôi là một con người. Xin đừng đối xử với tôi như vậy.

 Quả thật họ xem tôi không bằng một con Gián bẩn thỉu nên tha hồ mà rủ nhau khạt nhổ và dày xéo.

 Có sự thật nào cay đắng hơn những gì tôi đang trãi qua và chịu đựng. Tình cảm đẹp nhất đời tôi. Tôi càng trân trọng thì Ngài lại mang ra giữa cộng đoàn rao bán bằng một giá rẻ hơn cho đi. Phần thừa mứa Ngài đổ xuống rủ thiên hạ dẫm đạp lên rồi cười đùa thỏa thích.

 Ngài mượn lời Chúa “Đừng quăng của Thánh cho chó và ngọc trai cho heo” mà nói về kẻ bất trị như tôi.

 Và rồi chính Ngài chứ không ai khác góp phần đắc lực biến cả tôi và Ngài thành hai diễn viên chính trong vở kịch bi hài nhất thế gian do cha Trung làm chủ biên và đạo diễn.

 ***

 Bạn của tôi ơi!

 Tôi cũng đang cố gởi hết vào gió những cái tát nãy lửa mà bạn đã dành cho tôi và ráng hết sức giữ lấy những lần cánh tay bạn chìa ra với tôi trong hụt hẫng.

 Tôi mong bạn tha thứ cho những vô tình mà tôi đã làm bạn tổn thương  Vì Chúa sẽ không nhận lấy lòng hiếu thảo của đứa con này nếu lòng hiếu thảo đó được đổi bằng đau khổ của đứa khác.

 Tôi luôn cầu nguyện cho bạn vì một mục tử thánh thiện thì giáo dân đạo đức.

 Dù bạn có cho rằng tôi bất xứng thì trong Chúa mãi mãi chúng  ta vẫn là bạn khi cùng  khoát lên mình ba chữ “ Kitô hữu”

 Tôi sẽ mãi gọi bạn là  bạn của tôi vì Chúa nói: “ Ai không trung tín trong việc nhỏ là không trung tín trong việc lớn” mà

***

 Sách sử ghi lại rằng năm 782 TCN thời Tề Hoàn Công có đôi bạn rất thân nhau là Qủan Trọng và Bào Thúc Nha. Qủan Trọng mồ côi cha nên gia cảnh khó khăn nhưng bù lại ông  săn bắn rất giỏi, tinh thông  kinh điển và am hiểu lễ nghĩa

 Bào Thúc Nha gia cảnh khá giả. Thấy bạn gia cảnh khó khăn ông rủ bạn hùn vốn làm ăn. Khi chia lợi nhuận lúc nào ông cũng  chia bạn phần nhiều. Người đời trách Qủan Trọng hám lợi Thúc Nha nói:

Bạn ấy khó khăn mới nhận sự giúp đỡ tự nguyện của tôi.

 Sau đó hai người cùng bị bắt đi lính. Lúc đánh nhau thì Qủan Trọng thụt ra sau còn khi rút quân thì luôn luôn đi trước. Đồng đội chê cười ông Bào Thúc liền nói:

 Là con một Bảo Trọng lo không ai phụng dưỡng  mẹ già chứ nếu sợ đánh nhau anh ấy đã không luyện sức và tập bắn cung.

 Quản Trọng rất vụng về mọi người lại cười chê Bào Thúc lại nói:

 Người giỏi mấy cũng phải chờ thời. Giống có tốt mấy cũng phải đợi vụ mới gieo chứ.

 Rất nhiều lần Qủan Trọng thốt lên:

 Sinh ta là cha mẹ. Hiểu ta là Bào thúc

 Bào Thúc tìm cách giúp Qủan Trọng ra làm quan. Người nhận Tử Kiều, người nhận Tiểu Bạch làm học trò. 

 Tới ngày đất nước lâm nguy Qủan Trọng cùng Tử Kiều, Thúc Nha cùng Tiểu Bạch mạnh ai nấy tìm đường  lánh nạn.

 Sau đại loạn nước Tề không vua Thúc Nha và Qủan Trọng chuẩn bị đưa học trò mình về nối ngôi. Trên đường đi Qủan Trọng thấy học trò Tử Nha liền hỏi:

 Công tử khoẻ chứ. Công tử đi đâu vậy?

 Tiểu Bạch nói:

 Tôi về chủ tang cho anh tôi ( Vị vua vừa  qua đời)

 Qủan Trọng liền nói:

 Tử Kiều là niên trưởng mới chủ tang chứ.

 Lúc này Bào Thúc Nha mới lên tiếng :

 Này Qủan Trọng anh lui ra đi. Ai thờ chủ nấy đừng  nói nhiều

 Quản Trọng liền dùng tài bắn cung bắn ngay tim Tiểu Bạch nhưng  không  ngờ tên chỉ trúng khoen eo.

Tiểu Bạch lên ngôi lấy hiệu Tề Hoàn Công.

  Qủan Trọng nỗi giận. Chiến trận lại xảy ra nhưng Qủan Trọng lại bị thua.

 Chẳng những không giận bạn mà Bào Thúc Nha đã bằng mọi giá tiến cử bạn với vua. Vì nể Bào Thúc nên Qủan Trọng lại được vua trọng dụng.

 Nếu chúng  ta hôm nay ai cũng là một tôi trung và một hảo bằng hữu như họ thì không  cần sử sách lưu danh mà mãi mãi vẫn tồn tại trong lòng  nhân loại vì Chúa Giêsu đã nói: “ Dấu hiệu để người ta nhận ra các con là các con hãy yêu thương nhau”

 Xưa nay có rất nhiều tình bạn cao thượng được sử sách lưu danh. Có một Qủan Trọng- Thúc Nha. Có một Lưu Bình- Dương Lễ . . . nhưng  cũng chưa ai dám thí mạng mình cho bạn hữu như Đức Kitô.      Mong sao khi khoát lên mình ba từ “ Kitô hữu” mọi người hãy ý thức rằng “ Kitô hữu” không chỉ là một cái tên gọi, một danh hiệu mà còn là một hồng ân, một trách nhiệm thiêng liêng mà Thiên Chúa trao ban cho mỗi con người.

        Có ý thức như vậy ta mới không để cho quyền lợi, danh vọng, tiền của . . . làm dơ bẩn chiếc áo ấy.

Lạy Chúa Giêsu Kitô!

       Xin dòng máu hy sinh của Người đổ ra trên đồi Can-vê ngày nào nhuộm màu cho tình bằng hữu chúng con hôm nay. 

        Xin cho chúng con biết đau chung nỗi đau của nhau, biết hoà chung dòng nước mắt, biết chia xẻ nụ cười, sự hy sinh và cả lòng tha thứ.

        Đặc biệt là biết chọn lý tưởng của Người lên trên mọi sự lựa chọn.

         Nếu chúng con đã có:

 Một thời để yêu thương

 Rồi:

 Một thời để thù ghét

 Thì xin cho:

 Một thời để làm hoà  

 ( Sách Gỉang viên)                                           

Hạnh thông  Tây tháng 4/2011

Tác giả: Maria Phan Thị Kim Thoa