Sách Công vụ Tông đồ kể rằng các Tông đồ đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần vào Lễ Ngũ Tuần. Tuy nhiên, vị trí chính xác của biến cố quan trọng này không được chỉ ra rõ ràng, và nhiều học giả kinh thánh đã tranh luận về nơi có thể đã xảy ra biến cố đó.
Ngay sau khi Chúa Giêsu về trời, Thánh kinh kể rằng: “Trở về nhà, [Giêrusalem], các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ” (Cv 1, 13).
Rõ ràng, sau khi Chúa Thăng Thiên các Tông đồ lên “lầu trên” hoặc “phòng tiệc ly”.
Sau đó, sách Công vụ Tông đồ chuyển sang các sự kiện về lễ Ngũ Tuần: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp”(Cv 2: 1-2).
Ở đây bản văn có chút mơ hồ. Bản dịch tiếng anh nói đến “căn nhà”, và vì thế một số học giả kinh thánh cho rằng tác giả sách Công vụ có ý ám chỉ đến “căn nhà” của Chúa.
Nhà hay đền thờ
Chẳng hạn như sau này chúng ta thấy trong sách Công vụ có một tham chiếu đến Đền thờ như “căn nhà”.
“Lều ấy, cha ông chúng ta đã kế thừa, và đã cùng với ông Giôsuê, đem vào đất chiếm được của các dân ngoại mà Thiên Chúa đã đuổi đi khuất mắt các ông. Lều ở lại đó cho đến thời vua Đavít. Vua này đẹp lòng Thiên Chúa và đã xin được tìm một ngôi nhà cho Thiên Chúa của Giacóp. Nhưng chính vua Salômôn mới xây nhà cho Người” (Cv 7, 45-47).
Một luận chứng khác cho rằng “căn nhà” có thể là Đền thờ theo quan điểm Do thái, dựa vào tác giả của cuốn Torah Portions:
“Dù Luca không xác định rõ rằng các sự kiện trong sách Công vụ, chương 2, đã xảy ra trong Đền thờ, nhưng lịch sử đã suy ra nơi đó.
Việc tuôn đổ Thánh Thần vào Lễ Ngũ Tuần xảy ra vào thời điểm hiến tế và giờ cầu nguyện buổi sáng. Theo sách Công vụ chương 3, Simon Phêrô và Gioan đã lên đền thờ để cầu nguyện”.
Đây cũng có thể là nơi cư trú của phần đông các môn đệ đã chịu phép rửa vào Lễ Ngũ Tuần, như đã tường thuật trong Công vụ chương 2: “Những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo” (Cv 2,41).
Tuy nhiên các học giả kinh thánh không tán đồng về cách giải thích đoạn văn này, và truyền thống địa phương vẫn cho rằng Lễ Ngũ Tuần đã xảy ra ở “lầu trên”.
Cho dù ở đâu, điều chắc chắn là Lễ Ngũ Tuần đã diễn ra tại Giêrusalem và đã đánh dấu một điểm cơ bản cho khởi đầu của Giáo hội Công giáo.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ