Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

Có Được Cúng Vái, Dâng Đồ Ăn Đồ Uống Cho Người Chết Không?

Hỏi: Người Công giáo có được phép mang đồ ăn, đồ uống như rượu bia và trái cây ra đặt ở mộ thân nhân chôn ngoài nghĩa trang, hay bày đồ ăn trên bàn thờ ông bà, cha mẹ nhân ngày giỗ, tết để các ngài "thưởng thức" trước khi đem xuống cho con cháu ăn không?

Trả Lời: Những người theo Đạo thờ ông bà (Tổ tiên) hay các tôn giáo khác thì tin là vong hồn nhừng người chết có thể về với con cháu sau khi chết. Vì thế, con cháu thường mang theo đồ ăn, đồ uống ra đặt ngoài nghĩa trang nơi an nghỉ của người quá cố. Đặc biệt, đến ngày giỗ, Tết, con cháu thường làm một mâm cỗ với của ngon vật lạ để dâng lên bàn thờ người quá cố cùng với nhang đèn để cúng vái, trước khi hạ cỗ cho con cháu hưởng chung. Đây là tục lệ có từ bao đời nay trong xã hội Việt Nam. Chúng ta tôn trọng, và không dám phê bình niềm tin của người khác.

Tuy nhiên, là người Công Giáo Chúa Kitô, thì ngược lại, chúng ta không tin có sự trở về của linh hồn người quá cố để ăn uống chung vui cách vô hình nào đó với con cháu, anh em còn sống. Giáo lý Công Giáo dạy rõ như sau về số phân của một người sau khi chết:

"Mỗi người lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình phần trả công muôn đời cho mình. Ngay sau khi chết, trong một cuộc phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Kitô, để hoặc sẻ trải qua một cuộc thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng diễm phúc trên trời, hoặc lập tức bị án phạt đời đời." (x. SGLGHCG, số 1022)

Lời dạy trên có nghĩa là, linh hồn của một người chết có thể được vào ngay Thiên Đàng để vui hưởng Thanh Nhan Chúa, hoặc phải xa lìa Chúa đời đời trong nơi gọi là hoả ngục, hoặc phải "tạm trú" một thời gian trong nơi gọi là "Luyện tội" (Purgatory) để được thanh luyện cho sạch khỏi mọi vết nhơ của tội lỗi đã được tha nhưng chưa đền bù cho đủ khi còn sống, trước khi được vào hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Như thế rõ ràng cho thấy không có trường hợp nào linh hồn những người quá cố còn có thể về chung vui đời sống con người trên trần thế với con cháu được nữa.

Từ xưa đến nay và ở khắp mọi nơi, người ta đã nói nhiều về những hiện tượng "ma quái" quấy phá trong nhà sau khi có người chết, hoặc linh hồn người chết hiện về với thân nhân trong giấc mơ để van xin điều này, hoặc cảnh cáo con cháu việc khác v.v... Trước sự kiện này, Giáo Hội cho đến nay vẫn im lặng, không đưa ra một giáo lý nào để giải thích, mà chỉ dạy giáo hữu phải cầu nguyện, làm việc lành, hoặc xin lễ cầu cho các linh hồn, cách riêng trong tháng 11 mà thôi.

Điều chắc chắn là Giáo Hội không dạy hay khuyến cáo chúng ta phải mang đồ ăn, đồ uống ra nghĩa trang đặt nơi mộ của thân nhân đã qua đời, hay dâng mâm đồ ăn trên bàn thờ người quá cố trong những ngày giỗ tết.

Tuy nhiên, vì lòng thảo kính, thương nhớ, giáo dân ngày nay được phép đốt nhang, đèn, nến và trưng hoa trước bàn thờ tổ tiên hay nơi mộ phần của thân nhân để nói lên lòng yêu mến, tôn kính và thương nhớ đối với những người thân đã ly trần.

Nhưng tuyệt đối phải tin rằng:

1- Những linh hồn đã được hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng không cần sự trợ giúp nào của người còn sống trên trần thế. Ngược lại, các linh hồn thánh đó có thể cầu xin đắc lực với Chúa cho những người còn sống và những linh hồn trong luyện ngục.

2- Chỉ có các linh hồn trong luyện ngục mới cần sự trợ giúp của các thánh trên Thiên Đàng và của những người còn sống đang hiệp thông với Giáo Hội mà thôi. Đó là lý do tại sao Giáo Hội dạy và khuyến khích các tin hữu cầu nguyện, làm việc lành và nhất là xin lễ cầu cho các linh hồn thánh (holy souls) còn đang được thanh luyện trong luyện ngục. Các linh hồn này, ngược lại, cũng có thể cầu xin hữu hiệu cho các tín hữu còn sống. Đó là tín điều các thánh thông công như Giáo Hội dạy.

3- Các linh hồn đang xa cách Chúa đời đời trong nơi gọi là hoả ngục thì không ai có thể cứu giúp gì được nữa, vì không có sự hiệp thông nào (communion) giữa nơi này với Thiên Đàng, luyện ngục và các tín hữu còn sống đang hiệp thông trong Giáo Hội lữ hành.

Tóm lại, dù ở nơi nào, Thiên Đàng, Luyện ngục hay hoả ngục, linh hồn những người đã ly trần không thể trở về trần thế để "ăn uống" gì với thân nhân còn sống nữa. Vì thế, người công giáo không được đem bất cứ đồ ăn của uống gì ra đặt nơi mộ phần của những người đã chết ngoài nghĩa trang hay trưng bày trên bàn thờ trong những dịp giỗ tết để "mời các vong hồn" về chung vui, thưởng thức với con cháu còn sống. Làm như vậy là vô tình đi ngược lại với giáo lý của Giáo Hội về số phận của những người đã chết như đã nói ở trên.

Chúng ta chỉ có thể bày tỏ lòng mộ mến, gắn bó, thương xót những thân nhân đã ly trần bằng cách cầu nguyện, làm việc lành và xin dâng thánh lễ cầu cho họ để nói lên tâm tình này mà thôi. Và chắc chắn đó cũng là những gì các linh hồn mong đợi nơi con cháu, thân nhân còn sống nhớ đến mình sau khi họ lìa khỏi thân xác qua sự chết.

   Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn