Gần đây tôi đọc được một cuộc tranh luận khá gay gắt với những lời lẽ không ổn lắm từ nhiều "facebooker". Ở đây tôi không có tham vọng trả lời như một nhà thần học, cũng không phải là một nhà Giáo luật, chỉ xin dùng kiến thức hạn hẹp của mình chia sẻ với các bạn mà thôi.
Tôi xin mạn phép trích lại đoạn hội thoại ngắn sau mà tôi đã được nghe khi ở gần một cha bạn. Một người giáo dân còn khá trẻ, đầu óc tính toán thời công nghệ thông tin và xã hội tiêu thụ, tới hỏi cha xứ xin lễ.
Bạn trẻ : Chào cha, con muốn xin lễ giỗ cho mẹ con qua đời năm ngoái ạ.
Linh mục : Ô vậy hả, thế thì tốt quá. Con đúng là người con hiếu thảo đấy.
Bạn trẻ : Bao nhiêu một lễ vậy cha?
Linh mục : Có 200 ngàn thôi con.
Bạn trẻ : Ôi sao mắc quá vậy trời. Thế thì các cha giầu nhỉ. Thảo nào cha nào cũng xe đẹp thế..."
Nghe đoạn đối thoại trên tôi là linh mục cũng giật mình. Giật mình vì cách hỏi của người thanh niên theo kiểu xã hội tiêu thụ : "Bao nhiêu một lễ vậy cha?". Tôi cũng giật mình vì câu trả lời ngắn gọn nhưng thiếu tế nhị của người anh em linh mục : "Có 250 ngàn thôi con". Câu trả lời này là câu trả lời theo thói quen, theo kiểu xã hội tiêu thụ, dễ khiến người ta hiểu lầm. Chẳng trách ai được.
1 - Nhìn vào mẩu đối thoại trên ta thấy :
a - Nơi bạn trẻ
Bạn trẻ đúng là có vẻ rất hiếu thảo, đã nghĩ đến mẹ mình nhân ngày giỗ. Một điều đáng quý và đáng tuyên dương thay. Vị linh mục bạn của tôi đã khen ngợi. Thật là điều tốt. Tuy nhiên cái lỗi mà người thanh niên kia mắc phải là đặt một câu hỏi theo kiểu xã hội tiêu thụ. Có thể là do kiến thức về đạo của anh ấy còn non chưa đủ chăng, hay do thói quen hằng ngày... nên đã đặt câu hỏi như vậy. "Bao nhiêu một lễ vậy cha?" Trong câu hỏi đã có câu trả lời. Câu trả lời ở đây không phải là anh ấy biết cần phải đưa bao nhiêu tiền khi xin lễ, mà là chính anh đã ra đưa ra cái gọi là GIÁ cho Thánh lễ. Chắc là lễ thì cũng có giá như một món đồ bán ngoài chợ. Đi chợ muốn mua một bó rau muống thì tới hàng rau muống và hỏi bà bán rau "bao nhiêu một mớ vậy bà?". Sòng phẳng. Rõ ràng. Thấy ok thì mua. Thấy được giá thì bán. Xong rồi ai nấy phủi tay về nhà người đó. Chấm hết.
Cái đầu óc thời tiêu thụ làm cho anh ta nghĩ ngay đến... việc rao lễ trong nhà thờ nên thốt ra thảo nào các cha giầu thế. Ôi 200 ngàn một lễ cơ mà. Mình đi lễ nhiều khi thấy cha rao cả hai ba chục người xin lễ một lúc. Ít nhất thì cũng cả chục. Vậy thì các cha giầu quá. Vì thế nên hình như cha nào cũng có xe đẹp. 10 lễ nhân với 200 ngàn một lễ thành hai triệu. Cha làm một lễ có khoảng tiếng đồng hồ mà được hai triệu. Một tháng bốn chủ nhật, có tháng năm, mỗi chủ nhật cha làm ba lễ, cộng thêm lễ chiều thứ bẩy một hoặc hai lễ thành ra ít nhất cũng bốn lễ cuối tuần. Cứ tính bốn lễ thôi, mỗi lễ bốn triệu vị chi là 8 triệu một cuối tuần. Một cuối tuần 8 triệu nhân với bốn cuối tuần thành : 8 x 4 = 32 triệu. Một năm có 52 tuần : 52 x 32 = 1664 (một tỉ sáu trăm sáu mươi tư triệu). Ấy là chưa tính những ngày trong tuần mỗi ngày một lễ, thậm chí có khi hai hoặc hơn nữa do nhu cầu mục vụ... rồi lễ cưới, rồi đám tang, kỷ niệm ngày cưới, tạ ơn, thụ phong... vậy thì một năm thu nhập của các cha có ai bằng được. Ôi làm cha sướng thật! Ôi làm cha giầu thật!
b - Còn vị linh mục
Phải thành thật công nhận rằng vị linh mục bạn tôi không tế nhị trong việc trả lời. Có thể là ngài cũng chỉ trả lời theo thói quen. Kiểu hỏi sao thì trả lời vậy. Trả lời câu hỏi là được rồi. "Có 200 ngàn một lễ thôi con." Có lẽ cũng giống như bản niêm yết của một linh mục nào đó tại Sài Gòn như sau :
QUY ĐỊNH VIỆC XIN LỄ
(Xin đọc trước khi ghi lễ để tránh hiểu lầm, phiền phức)
1 - Xin lễ là việc tự nguyện hoàn toàn.
2 - Xin lễ với Đức Tin : Chúa biết lòng mọi người.
3 - Giáo phận Sài Gòn đã quy định tối thiểu 250.000đ/lễ
4 - Kể từ ngày 16/2/2016 chấm dứt việc đưa một số tiền rồi xin 1, 2 tháng lễ rao mỗi ngày.
- Gặp trường hợp trên, xin quy ra 250.000đ/01 ý lễ được bao nhiêu ý lễ thì ghi bấy nhiêu lần.
5 - Trường hợp giáo dân xin lễ dưới mức quy định (250.000) xin ghi lễ rồi bỏ vào thùng. Số tiền này sẽ trình Tòa Giám Mục để phân định ý lễ như người xin, nhưng KHÔNG RAO Ý LỄ. (Ghi sổ lớn. Không ghi sổ nhỏ) (lưu ý : phần in nghiêng này là viết tay thêm vào bản thông báo)
Tất cả tùy vào ý người xin lễ
(Ký tên và đóng dấu)
Cũng như câu trả lời của vị linh mục bạn tôi. Thông báo trên có những điểm rất rõ ràng để tránh hiểu lầm, phiền phức, nhưng có những điểm đáng phải suy nghĩ khi in thành thông báo hay niêm yết, đặc biệt là với thời đại thông tin như ngày nay.
Điều 1, 2, 3 tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng với khá nhiều người thì bắt đầu từ điều thứ 3 trở đi gây thắc mắc nặng nề. Điều thứ 5 thì còn nhiều thắc mắc hơn. Tôi sẽ chia sẻ thêm trong phần hai.
Câu trả lời của vị linh mục trong mẩu đối thoại trên không sai, nhưng dễ gây hiểu lầm như tôi đã phân tích trong phần "1. a - Nơi bạn trẻ". Bảng thông báo ta vừa đọc ở trên cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nó làm cho người giáo dân hiểu lầm và thắc mắc, hoặc nghi ngờ các linh mục trong việc lạm dụng chức vụ củ