Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

SỨ ĐIỆP GỞI NGƯỜI MUSLIM

Nhân Tháng Ramadan và Đại lễ ‘Id al-Fitr 1442 H. / 2021 A.D.,

Nhân dịp tháng Ramadan – năm nay bắt đầu từ ngày 13 tháng Tư – và nhân dịp Đại lễ ‘Id al-Fitr 1442 H. / 2021 A.D., Hội đồng Toà thánh về Đối thoại Liên tôn đã gửi một Sứ điệp chúc mừng người Muslim trên toàn thế giới, với nhan đề “Kitô hữu và người Muslim: Chứng nhân của hy vọng”.

Sứ điệp mang chữ ký của Đức Hồng y Chủ tịch Miguel Ángel Ayuso Guixot, M.C.C.J., và Đức ông Thư ký Indunil Kodithuwakku Janakaratne Kankanamalage.

Sau đây là nội dung Sứ điệp:

KITÔ HỮU VÀ NGƯỜI MUSLIM: CHỨNG NHÂN CỦA HY VỌNG

Anh chị em Muslim thân mến,

Hội đồng Toà thánh về Đối thoại Liên tôn chúng tôi rất vui mừng gửi đến các bạn những lời chúc tốt đẹp của tình huynh đệ; chúc các bạn một tháng dồi dào ân phúc thiêng liêng và thăng tiến tâm linh. Ăn chay, cùng với cầu nguyện, bố thí và các thực hành đạo đức khác, đưa chúng ta đến gần hơn với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng chúng ta và với tất cả những người chúng ta đang cùng sống và làm việc với họ, đồng thời giúp chúng ta cùng nhau tiếp bước trên con đường huynh đệ.

Trong những tháng dài đau khổ và buồn bã này, đặc biệt là trong những giai đoạn cách ly, chúng ta thấy mình cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa, nhưng cũng cần cả những bày tỏ và nghĩa cử của tình liên đới huynh đệ: một cuộc điện thoại, một tin nhắn nâng đỡ và an ủi, một lời cầu nguyện, giúp đỡ trong việc mua thuốc hoặc thực phẩm, lời khuyên, và nói một cách đơn giản là sự an tâm khi biết rằng ai đó luôn ở bên chúng ta trong những lúc cần thiết.

Sự trợ giúp của Thiên Chúa mà chúng ta cần và tìm kiếm, đặc biệt là trong những hoàn cảnh như đại dịch hiện nay, rất đa dạng: lòng thương xót, sự tha thứ, sự quan phòng của Chúa cùng những ơn huệ tinh thần và vật chất khác. Tuy nhiên, điều chúng ta cần nhất vào lúc này là niềm hy vọng. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng bây giờ thật là thích hợp để chia sẻ với các bạn một vài suy tư về đức tính này.

Như chúng ta đã biết, hy vọng, dù bao hàm sự lạc quan, còn vượt xa hơn lạc quan. Trong khi lạc quan là một thái độ của con người, hy vọng lại có nền tảng mang tính tôn giáo: Thiên Chúa yêu thương chúng ta, và vì thế Ngài chăm sóc chúng ta qua sự quan phòng của Ngài. Ngài làm điều ấy cách mầu nhiệm, mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể hiểu được. Trong những hoàn cảnh này, chúng ta giống như những đứa con biết chắc cha mẹ yêu thương chăm sóc mình, nhưng chưa thể thấu hiểu hết tầm quan trọng của tình thương ấy.

Niềm hy vọng nảy sinh từ xác tín rằng tất cả các vấn đề và thử thách của chúng ta đều có một ý nghĩa, một giá trị và một mục đích, dù chúng ta cảm thấy khó khăn hay không thể hiểu được lý do hoặc tìm được cách giải quyết những vấn đề và thử thách đó.

Hy vọng cũng mang theo niềm tin vào những điều thiện hảo hiện hữu trong trái tim mỗi người. Nhiều khi, trong những hoàn cảnh khó khăn và tuyệt vọng, sự giúp đỡ và niềm hy vọng đi kèm theo có thể lại đến từ những người mà chúng ta ít mong đợi nhất.

Vì thế, tình huynh đệ nhân loại, dưới nhiều hình thức biểu hiện, có thể trở nên nguồn hy vọng cho mọi người, đặc biệt cho những ai đang cần đến. Cảm tạ Thiên Chúa, Đấng tạo dựng chúng ta và cảm ơn những người nam nữ đồng loại của chúng ta, về những đáp ứng nhanh chóng và tình liên đới quảng đại thể hiện nơi các tín hữu cũng như những người thiện chí không theo tôn giáo nào, khi xảy ra thảm hoạ, do thiên tai hay nhân tai, như xung đột và chiến tranh. Tất cả những con người ấy và lòng tốt của họ nhắc nhở các tín hữu chúng ta rằng tinh thần huynh đệ là phổ quát, vượt qua mọi ranh giới: sắc tộc, tôn giáo, xã hội và kinh tế. Khi sống tinh thần này, chúng ta noi gương Thiên Chúa, Đấng nhân từ nhìn đến nhân loại mà Ngài đã tạo dựng nên, nhìn đến tất cả các thụ tạo khác và toàn thể vũ trụ. Theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, đó là lý do tại sao việc quan tâm và chăm sóc hơn nữa đối với hành tinh này, “ngôi nhà chung” của chúng ta, cũng là một dấu chỉ của hy vọng.

Chúng ta ý thức rằng hy vọng cũng có những kẻ thù: thiếu tin tưởng vào tình yêu và sự chăm sóc của Thiên Chúa; mất lòng tin vào anh chị em của mình; thái độ bi quan; nỗi tuyệt vọng và ngược lại là thói tự tin vô lối; thái độ vơ đũa cả nắm một cách bất công dựa trên những kinh nghiệm tiêu cực v.v… Phải chống lại những suy nghĩ, thái độ và phản ứng nguy hại ấy một cách hữu hiệu, để củng cố niềm trông cậy nơi Thiên Chúa và tin tưởng vào tất cả anh chị em của chúng ta.

Trong Thông điệp Fratelli tutti mới đây, Đức giáo hoàng Phanxicô thường xuyên bàn về hy vọng. Trong đó, ngài ngỏ lời với chúng ta: “Tôi mời gọi mọi người hãy canh tân niềm hy vọng, ‘vì hy vọng nói với chúng ta về một thực tại bám rễ sâu trong thâm tâm mỗi người, chứ không phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện lịch sử ta đang sống. Hy vọng nói với chúng ta về lòng khát khao, về nguyện vọng, về nỗi ước ao có một cuộc sống viên mãn, về sự mong muốn đạt tới những điều vĩ đại, những gì lấp đầy trái tim và nâng cao tinh thần hướng tới những thực tại cao cả như chân, thiện, mỹ, công bằng và yêu thương... hy g mở ra cho chúng ta những lý tưởng cao cả khiến cuộc sống trở nên tươi đẹp và đáng giá hơn’ (cf. Gaudium et spes, 1). Vì thế, chúng ta hãy tiếp tục tiến bước trên các nẻo đường hy vọng” (số 55).

Các Kitô hữu và người Muslim chúng ta được kêu gọi trở thành những người mang niềm hy vọng cho cuộc sống hiện tại và cuộc sống mai sau, đồng thời trở thành các chứng nhân, những người tái thiết và xây dựng niềm hy vọng này, đặc biệt cho những ai đang gặp khó khăn và thất vọng.

Để bày tỏ tình huynh đệ thiêng liêng, chúng tôi bảo đảm sẽ cầu nguyện cho các bạn cùng xin chúc các bạn một tháng Ramadan an bình và nhiều hoa trái, cũng như một Đại lễ ‘Id al-Fitr vui tươi.

Vatican, ngày 29 tháng 3 năm 2021

Hồng y Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ

Chủ tịch

Indunil Kodithuwakku Janakaratne Kankanamalage

Thư ký

Chuyển ngữ theo bản tiếng Anh và Pháp: Minh Đức

Nguồn: Văn Phòng Đối thoại liên tôn và Đại kết/HĐGMVN

WHĐ (03.05.2021)