Thắc Mắc: “Bố con là con một. Sau khi lập gia đình, bố con có bốn người con, nhưng chỉ có con là con trai. Con lập gia đình cách đây hơn một năm. Tuần vừa qua, vợ con mới sinh được một đứa con trai. Bố con rất mừng khi có cháu nội đích tôn. Vì thế bố con muốn tổ chức một bữa tiệc thật hoành tráng. Đúng ngày đầy tháng của cháu, bố con sẽ mời một linh mục Dòng quen thân với bố con về rửa tội cho cháu tại gia đình và sau đó mở tiệc ăn mừng trọng thể luôn cho tiện. Nhưng khi con trình với cha xứ thì ngài bảo việc Rửa Tội tại gia như thế là không được phép.
Vậy xin Cha cho biết luật Giáo hội quy định như thế nào về việc này?”
Trả lời: (của Lm. LG Huỳnh Phước Lâm - GP.Long Xuyên)
Trong việc một linh mục thuộc Hội Dòng ban bí tích Rửa Tội cho cháu bé tại tư gia, nhân ngày đầy tháng của cháu, chúng ta cần lưu ý đến 3 điểm sau đây:
1. NGÀY RỬA TỘI
Không biết đúng ngày đầy tháng của cháu bé rơi vào ngày nào. Nhưng chúng ta cần lưu ý luật Giáo Hội đã quy định:
“Mặc dù có thể cử hành bí Tích Rửa Tội vào bất cứ ngày nào cũng được, nhưng thông thường, khuyên nên cử hành bí tích này vào ngày Chúa Nhật hoặc nếu có thể được, vào đêm vọng Phục Sinh” (Điều 856).
Ngày Chúa Nhật và nhất là đêm vọng Phục Sinh có liên quan mật thiết với việc Chúa Kitô sống lại, nên Rửa Tội vào những ngày đó là rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, luật Giáo Hội cũng cho phép cử hành bí Tích Rửa Tội vào bất cứ ngày nào cũng được.
2. THỪA TÁC VIÊN RỬA TỘI
“Trừ trường hợp cần thiết, nếu không được phép buộc phải có, không ai có thể ban bí tích Rửa Tội trong một địa hạt khác, dù là ban cho những người thuộc quyền mình” (Điều 862).
Ngoại trừ trường hợp cần thiết, thông thường việc ban bí tích Rửa Tội được dành đặc biệt cho cha sở là vị chủ chăn trong phạm vi lãnh thổ của mình (x. Điều 530, 10). Người ngoài địa bàn quyền bính và trách nhiệm của mình (vd. Cha sở giáo xứ khác, Giám mục giáo phận khác), nếu không có phép của vị hữu quyền sở tại, sẽ ban bí tích Rửa Tội cách bất hợp pháp cho bất cứ ai, kể cả cho người thuộc quyền mình đi nữa.
Linh mục thuộc Hội Dòng trong trường hợp nêu trên, nếu muốn ban bí tích Rửa Tội cho cháu bé thì trước hết phải có phép của cha sở tại nơi Rửa Tội. Còn có được cử hành bí tích Rửa Tội tại gia hay không, chúng ta sẽ xem xét tiếp.
3. NƠI CHỐN RỬA TỘI
Theo Điều 857 §1 của Bộ Giáo luật hiện hành, ngoài trường hợp cần thiết, nơi dành riêng để ban bí tích Rửa Tội là nhà thờ hoặc nhà nguyện.
Theo luật chung, người thành niên phải chịu phép Rửa Tội tại nhà thờ riêng của Giáo xứ, và nhi đồng tại nhà thờ giáo xứ của cha mẹ, trừ khi có một lý do chính đáng (x. Điều 857 §2).
Nếu người sắp được Rửa Tội, vì ở xa hoặc vì những hoàn cảnh khác, gặp sự bất tiện lớn, không thể đến hoặc không thể được đưa đến nhà thờ giáo xứ hay nhà nguyện khác trong ranh giới của giáo xứ có giếng Rửa Tội, thì có thể và phải được lãnh nhận bí tích Rửa Tội trong một nhà thờ hay một nhà nguyện khác gần hơn, hoặc tại một nơi khác xứng đáng (x. Điều 859).
Tuy nhiên, Giáo luật đã quy định rõ ràng trong Điều 860 §1: “Ngoài trường hợp cần thiết, không được ban bí tích Rửa Tội tại tư gia, trừ khi Đấng Bản Quyền địa phương cho phép vì một lý do quan trọng”.
Trong trường hợp cần thiết (nguy tử, bệnh tật, hay lý do khác không đi đến nhà thờ được..) thì có thể Rửa Tội tại tư gia.
Còn thông thường thì không được ban bí tích Rửa Tội tại tư gia. Ngay cả cha sở cũng không có quyền tự cho phép mình làm trái luật Giáo Hội trong trường hợp này. Mục đích của quy định này nhằm để tránh cho bí tích Rửa Tội đừng trở thành một cử hành khép kín trong gia đình và tách rời khỏi cộng đoàn Kitô hữu; ngoài ra quy định này cũng giúp tránh sự phân biệt đối xử hay sự ưu đãi người này hơn người khác.
Khi có lý do nghiêm trọng thì Đấng Bản Quyền địa phương (Giám mục Giáo phận, Tổng Đại diện, Đại diện Giám mục) được cho phép Rửa Tội tại tư gia.
Kết luận:
1. Cha sở nói đúng khi ngài bảo việc Rửa Tội tại tư gia trong trường hợp này là không được phép.
2. Nếu muốn được phép, phải xin Đấng Bản Quyền địa phương, khi có lý do nghiêm trọng.