Trong Tự Sắc “Mitis Iudex Dominus Iesus” (Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ), khoản 14 §1 quy định như sau:
Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu từng điểm được đề cập trong khoản 14 §1 này:
1. Người thiếu đức tin khiến có thể nảy sinh gian ý hay lầm lẫn chi phối ý chí
Nguyên việc “thiếu đức tin” không là điều kiện cốt yếu làm cho hôn nhân vô hiệu. Vì chưng, thật ra người ta khó có thể đánh giá đúng mức một người “thiếu đức tin” hay là “đủ đức tin”; và nếu thiếu, thì thiếu bao nhiêu? Tuy nhiên, sự thiếu đức tin lại được chú trọng trong các vụ án vô hiệu hôn nhân. Lý do là sự thiếu đức tin có thể là nguồn phát sinh sự gian ý trong kết ước hôn nhân hoặc sự lầm lẫn chi phối ý chí.
1.1. Kết hôn gian ý
Kết hôn gian ý (giả vờ) hệ tại bởi sự có ý không muốn tuân giữ theo đúng những điều chính yếu của kết ước hôn nhân.
Giả vờ toàn phần là khi loại trừ chính hôn nhân (kết hôn chỉ là hình thức để được xuất cảnh, chứ không phải vì chính hôn nhân) hoặc loại trừ yếu tố tương quan bản vị (sự hiệp thông trọn cả cuộc sống hướng về lợi ích của đôi bạn).
Giả vờ bán phần là khi loại trừ yếu tố sinh sản (có ý chống lại việc sinh con), hoặc loại trừ đặc tính duy nhất (có ý chống lại sự chung thủy), hay đặc tính bất khả phân ly (có ý chống lại tính bền vững của hôn nhân).
Một sự ưng thuận kết hôn gian ý (giả vờ) như vậy làm cho hôn nhân vô hiệu. Giáo luật điều 1101§2 quy định: “Nếu một bên hay cả hai bên, bằng một hành vi tích cực của ý chí, loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân, thì họ kết hôn với nhau bất thành”.
1.2. Lầm lẫn chi phối ý chí
Có những trường hợp thiếu đức tin lại bao gồm sự lẫm lẫn về chính hôn nhân. Sự lầm lẫn này, theo luật không nhất thiết loại trừ sự ưng thuận (Điều 1100), nhưng nếu nó chi phối vào ý chí thì ưng thuận có thể bị khiếm khuyết và làm cho hôn nhân vô hiệu (Điều 1099). Chẳng hạn một người kết hôn mà nghĩ rằng sự không chung thủy không đi ngược lại bản chất của hôn nhân, và thậm chí chủ trương chấp nhận được phép có những quan hệ ngoài hôn nhân, thì sự ưng thuận vẫn thành, bởi vì những quan niệm sai lầm này vẫn còn nằm trong tâm trí. Tuy nhiên, nếu người đó kết hôn, mà vẫn thực sự có ý định giao du tình cảm với một hay nhiều người khác nữa, thì sự lẫm lẫn đó đã chi phối ý muốn và sự ưng thuận là vô hiệu. Trường hợp sau đây có thể dẫn đến các lý do tiêu hôn:
Một người tân tòng đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Hôn Phối, nhưng bản thân người này “thiếu đức tin”. Sự kiện không có đức tin được thể hiện qua cách sống và lời tuyên xưng của họ. Chẳng hạn: sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Hôn Phối, người này về nhà vẫn thờ phượng theo tôn giáo cũ và không bao giờ thực hành đời sống đạo Công giáo. Như vậy, người này giả vờ kết hôn hoặc hiểu lầm về hôn nhân Công giáo (quan niệm hôn nhân Công giáo chỉ như một hình thức diễn tả tình cảm mà thôi).
- Hôn nhân này bất thành vì lý do họ không công nhận tính bí tích của hôn nhân hay chính hôn nhân Công giáo, theo Giáo luật điều 1101 §2, hoặc theo Giáo luật điều 1099.
- Hoặc hôn nhân này bất thành vì người Công giáo đã bị lừa gạt nên mới nhận lời kết hôn, chiếu theo Giáo Luật điều 1098: “Người kết hôn do bị lừa gạt về một tư cách nào đó của phía bên kia, với chủ ý để mình ưng thuận, và nếu tư cách ấy tự bản chất có thể làm xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng, thì hôn nhân bất thành”.
Lm LG Huỳnh Phước Lâm,
GP.Long Xuyên