I. Giới Thiệu:
“Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”
“Ðức tin công giáo hệ tại điều này: thờ kính Một Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Một Chúa mà không lẫn lộn giữa các Ngôi Vị, không chia cắt bản thể: vì Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần khác biệt nhau; nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có cùng một thiên tính, một vinh quang, một uy quyền vĩnh cửu” (Giáo lý Công Giáo, số 266).
Chúng ta tuyên xưng “Tôi Tin Một Chúa, Ba Ngôi, Đồng Bản Thể v.v….” như trong Kinh Tin Kính ta đọc hằng tuần, nhưng tín điều này hình thành thế nào? Và được Kitô hữu đón nhận thế nào?
Chú Thích: Vì nội dung tín điều này tự nó khó hiểu, và bối cảnh lịch sử cũng quá phức tạp, tôi sẽ cố gắng tóm tắt những điểm quan trọng và giải thích những gì cần giải thích. Bài đầu tiên nói đến hoàn cảnh lịch sử từ thời khai sinh Giáo hội đến công đồng Nicea năm 325. Bài kế tiếp nói đến những tranh cãi dẫn đến công đồng Constantinople năm 381 trở về sau.
Điều quan trọng nữa là trước khi vào bài viết, tôi xin phân biệt danh từ mà người Việt chúng ta thường bị lầm lẫn khi dùng danh xưng “Thiên Chúa” và “Chúa” trong lời cầu nguyện hay trong câu chuyện hằng ngày. Khi nói đến Thiên Chúa (Deus/ God/ Dieu/Dios), chúng ta nói đến Một Thiên Chúa Đấng làm chủ muôn loài, muôn vật. Từ này được dịch từ Elohim (Do thái) và Theos (Hi Lạp). Còn khi ta dùng từ “Chúa” (Dominus/ Lord/ Seigneur/Senor) như “Chúa Giêsu Kitô” là dịch từ Adonai (Do thái) hay Kurios (Hy Lạp). Từ này có nghĩa là: một ông/bà chủ/ một bậc thầy/ một bậc chúa (như ta nói đến chúa Trịnh, chúa Nguyễn trong lịch sử nước ta.)
Người Do thái không dám kêu tên Thiên Chúa (Giavê), nên họ dùng từ Adonai/Chúa chỉ chức vị mà nói đến Thiên Chúa. Vì thế, trong bài viết, cần phân biệt rằng khi thánh Phaolo viết: Chúa Giêsu Kitô (Lord Jesus Christ/ Dominus Iesus Christus), Ngài không có ý tuyên dương Chúa Giêsu là Thiên Chúa, mà chỉ nói lên một ngôi vị được kính trọng mà thôi. Dĩ nhiên ngày nay chúng ta tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng niềm tin này không hẳn có ngay từ đầu với các Kitô hữu sơ khai, kể cả các tông đồ, mà có thời gian dài để chính niềm tin này được thử thách và tôi luyện trước khi được Giáo Hội công nhận.
II. Bối Cảnh Sau Khi Chúa Giêsu Sống Lại và Lên Trời
Vậy những Kitô hữu đầu tiên nghĩ Chúa Giêsu là ai? Câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ: “người ta gọi Con người là ai?… và các con gọi Ta là ai?” được Phêrô trả lời nói lên cái nhìn của Kitô hữu đối với Chúa Giêsu trong thời kỳ đầu Giáo Hội “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mat 16:16)
Nói cách khác, những Kitô hữu đầu tiên tin Đức Giêsu được Thiên Chúa sai đến, tin rằng Ngài có những căn tính và phẩm chất vượt trên con người và cả thiên thần, tin rằng Thiên Chúa ưu đãi và ngay cả chọn Đức Giêsu để mặc khải ý định Thiên Chúa cho con người. Tuy vậy, họ chưa dám tin Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa vì họ tin chỉ có Một Thiên Chúa mà thôi. Nếu tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, liệu họ có bị lạc giáo vì tin có Hai Thiên Chúa không?
Các tông đồ và những Kitô hữu đầu tiên là những tín đồ Do Thái giáo, họ tiếp xúc với Cựu Ước và luật Môisê, và họ tin chỉ có Một Thiên Chúa là Vua của mọi loài tạo vật. Dù đi theo Đức Giêsu Kitô, họ tiếp tục xây dựng đức tin mình dựa trên cơ sở Độc Thần (monotheism) mà Thiên Chúa trong Cựu Ước đã nhiều lần cảnh cáo và ngay cả trừng phạt khi dân Israel bỏ Yahweh đi thờ tà thần: “Chúng tôi biết rằng…. chỉ có một Thiên Chúa và không ai khác” (xem Exod 20:3; Isa 45:5; 1 Cor 8:4; Acts 17:24-29). Hơn nữa, họ biết rằng chính Chúa Giêsu cũng thờ phượng và cầu nguyện cùng Thiên Chúa Giavê, cũng giữ luật (như rửa tay, ngày Sabat…) và mừng các lễ (Vượt Qua…) theo phép Đạo Do Thái.
Dù thánh Phaolô rao giảng nhiều về tin mừng và con người Chúa Giêsu, Ngài không bao giờ tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa (Deus), mà chỉ nói đến là Chúa (Kyrios) mà thôi. Trong ba tin mừng Nhất Lãm (Matthêu, Macô, Luca) cũng không hề nói đến Chúa Giêsu là Thiên Chúa,[1] mà chỉ nói Ngài là “Con Thiên Chúa” mà thôi.[2] Chỉ có phần cuối tin mừng Gioan có lời tuyên xưng của Tôma khi Chúa Giêsu hiện ra với các ông sau khi Ngài sống lại và cho phép ông xỏ tay vào dấu đanh, ông đáp: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”(Jn 20:28). Các nhà Kinh thánh tin rằng vào cuối thế kỷ đầu tiên (tin mừng Gioan được viết trong thời gian này), cộng đoàn Kitô hữu bắt đầu tuyên xưng “Chúa Giêsu là Thiên Chúa” trong những nghi thức phụng vụ. Dù tuyên xưng như thế, nhưng việc hiểu nội dung của lời tuyên xưng cần nhiều thời gian để tìm hiểu và tranh luận.
Vậy đầu thế kỷ thứ 2, Giáo Hội đã công nhận Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa chưa? Đã có những giáo huấn rõ rệt về căn tính và con người Đức Giêsu chưa? Câu trả lời sẽ không rõ ràng và dễ dàng như ta nghĩ.
III. Những Tuyên Xưng Đức Tin Thửa Ban Đầu
Ta nhận ra cảm nghiệm của Kitô hữu với Thiên Chúa Ba Ngôi khi đọc thấy những lời tuyên xưng đức tin trong đời sống phụng vụ của họ.
Thánh Phaolô viết: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.”(Gal 1:3)[3] Với dân Thessalonica: “Xin chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa chúng ta là Đức Giêsu san phẳng con đường dẫn chúng tôi đến với anh em.” (1Thes 3:11).[4] Trong thư gởi Êphêsô: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí… một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Eph 4:4-6).
Và “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.” (1 Cor 12:4-6).
Và khi Phêrô nói với dân trong ngày lễ Ngũ Tuần: “Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô.” (Acts 2:36).
Thư gởi tín hữu Do Thái nói: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật” (Heb 1:1-3). Đây là lời tuyên xưng Đức Kitô được Thiên Chúa chọn lựa để rao giảng ý định Thiên Chúa.
Rõ nhất và ngắn nhất là công thức trong phụng vụ mà ta vẫn dùng ngày nay: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen” (2 Cor 13:13).[5]
IV. Các Giáo Phụ Sau Thời Các Tông Đồ
Dù tin chỉ có Một Thiên Chúa (độc thần), nhưng các giáo phụ (khoảng năm 90–140) bắt đầu tìm cách cắt nghĩa về những câu hỏi nhắm đến Chúa Giêsu Kitô: Ngài là ai? Là Thiên Chúa hay con người? Hay cả hai?
Để cắt nghĩa những câu hỏi này, các giáo phụ bắt đầu tìm hiểu về nhân tính và thiên tính của Đức Giêsu Kitô.
Từ đầu thế kỷ 2, nhiều thần học gia thuộc nhóm Hộ Giáo (apologia) bắt đầu cắt nghĩa thần học để giải đáp những thắc mắc của Kitô hữu.
Đọc tin mừng Gioan, ta thấy: “Lúc khởi đầu đã có Logos (Ngôi Lời). Logos (Ngôi Lời) vẫn hướng về Thiên Chúa, và Logos (Ngôi Lời) là Thiên Chúa.” (Jn 1:1).[6]
Justin Martyr (khoảng năm 100-165), và học trò là Tatian (110-180), ông Theophilus thành Antiokia (chết khoảng 180-185), Athenagoras (cuối thế kỷ 2), và nhiều người khác đã khai thác triết học Hi Lạp đương thời để cắt nghĩa thần học Kitô giáo. Họ là nhóm đầu tiên được xem là những thần học gia cắt nghĩa Chúa Ba Ngôi cách có hệ thống.
Theo nhóm này, Logos của Thiên Chúa và Thần Khí của Ngài xuất hiện cách kín đáo trong Cựu Ước.[7] Khi đọc sách Châm Ngôn, Justin cho là Thiên Chúa sai Ngôi Lời đến với mục đích tạo dựng vũ trụ: “ĐỨC CHÚA đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất.” (Châm ngôn 8:22).
Chính Logos này giờ đây xuống thế làm người, như được trình bày trong tin mừng Gioan. Nhưng so sánh với Chúa Cha, Justin cho là Logos đứng “hạng hai” và Thần Khí thì “hạng ba”. Nghĩa là chỉ có Một Thiên Chúa, còn Logos và Thần Khí không đồng hạng được.[8]
Nói tóm, Justin và những giáo phụ đầu tiên này tìm cách cắt nghĩa Logos trong chức năng tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa, nhưng luôn giữ vững lý luận rằng Chúa Cha là nguồn gốc, là khởi đầu mọi sự.
Một người khác có công đóng góp rất nhiều cho thần học Chúa Ba Ngôi thời sơ khai là Tertullian (150–225). Ông là người đầu tiên dùng danh từ Chúa Ba Ngôi (Latin: trinitas), và những danh từ “bản thể -substantia , ngôi vị persona” khi cắt nghĩa mầu nhiệm này. Chính ông là người đầu tiên nhấn mạnh rằng Ba Ngôi cùng Bản Thể (Latin: una substantia et tres personae). Nhưng để cắt nghĩa thế nào mà Ba Ngôi chỉ có Một Thiên Chúa, Tertullian cho là mầu nhiệm này hiện hữu với mục đích mặc khải cho con người mà thôi, nghĩa là, vì mục đích tạo dựng và cứu chuộc nên Ba Ngôi đã tỏ cho loài người biết như mình đang tìm hiểu.
Ông phân biệt Nội tại và Nhiệm cục trong Ba Ngôi. “Nội tại- theologia” là sự sống, hoạt động, bản thể, căn tính v.v… của Ba Ngôi mà loài người hoàn toàn không thể nào biết được. “Nhiệm cục- Oikonomia” là những gì Ba Ngôi tỏ ra cho con người hiểu như Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con xuống thế cứu chuộc, Chúa Thánh Thần thánh hoá con người v.v… Rồi đây, theo ông, cuối cùng thì Nhiệm cục- Oikonomia sẽ chấm dứt để trở lại Nội tại- theologia của Một Thiên Chúa mà thôi.
Với căn bản thần học của những giáo phụ trên đây (và còn rất nhiều những tư tưởng của các vị đương thời), một số những thần học gia đã có những cắt nghiã sai lạc trong khi tìm hiểu, đem lại những lạc thuyết trong Giáo Hội. Chúng ta cần biết một vài lạc thuyết căn bản để hiểu Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Vì là con người, nếu chúng ta không đủ khả năng để hiểu Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi là GÌ, thì ít nhất, qua các lạc thuyết bị lên án, chúng ta hiểu được Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi KHÔNG là GÌ.
V. Những Lạc Thuyết
Để tìm cách giữ vững tín điều chỉ có Một Thiên Chúa, một vài những lạc thuyết phổ biến lúc bấy giờ:
Thuyết Phụ Thuộc (hay Thứ Vị Luận – subordinationism): cho là Chúa Con và Chúa Thánh Thần phụ thuộc và Chúa Cha cả bản tính và sự hiện hữu. Nghĩa là, về phẩm trật, Chúa Cha trên Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Về hoạt động hay hiện hữu, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hoàn toàn lệ thuộc vào Cha. Thuyết này từ chối Ba Ngôi bằng nhau.
Thuyết Nhất Ngôi Nhất Thể Luận (Monarchianism) cho rằng chỉ cỏ một Thiên Chúa, một Bản Thể, một Ngôi vị không chia sẻ cho ai (tiếng Hi lạp: monos = một; archein = cai quản, thống trị). Lạc thuyết này rõ ràng từ chối thiên tính trong Chúa Giêsu, vì theo họ, Thiên Chúa không chia sẻ với ai. Họ cũng lý luận: nếu ai công nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, thì khi Đức Giêsu chết trên thánh giá, Thiên Chúa cũng phải đau khổ và chết. Những người theo nhóm này có có tên là Patripassionism, nghiã là “Chúa Cha Chịu Đau Khổ” (Patri- Cha; passion-đau khổ)
Thuyết Thừa Tự (Adoptionism) cho rằng Đức Giêsu Kitô tự bản chất không là Thiên Chúa, nhưng được Thiên Chúa tạo dựng, và cho làm con Thiên Chúa, nghĩa là được chọn làm thừa tự. Chủ thuyết này căn cứ vào tin mừng khi Chúa Giêsu chịu phép rửa và được Thiên Chúa Cha công nhận: “Con là con yêu dấu Cha, Cha hài long về con” (Mk 1:9). Lạc thuyết này từ chối Chúa Giêsu LÀ Thiên Chúa từ đời đời, vì Ngài chỉ TRỞ NÊN Thiên Chúa khi Chúa Cha cho phép mà thôi.
Thuyết Hình Thái Luận hay Mô Thức Luận (Modalism) cho là chỉ có Một Thiên Chúa nhưng Ngài có 3 bộ mặt hay hình thức biến thái khác nhau. Từ khởi đầu, Thiên Chúa Cha là đấng tạo dựng vũ trụ. Qua mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa mang hình hài Chúa Con. Sau khi lên trời, Thiên Chúa mang hình dạng Chúa Thánh Thần. Đây có thể là lạc thuyết phổ biến nhất lúc bấy giờ. Thuyết này từ chối Ba Ngôi Vị riêng biệt.
Arius và Những Tranh Cãi Thần Học Chúa Ba Ngôi
Nếu chỉ có một Thiên Chúa, vậy Đức Giêsu Kitô là ai? Là con người hay Thiên Chúa? Rồi Chúa Thánh Thần là ai?
Tất cả những câu hỏi này khởi đầu cho những tranh cãi thần học, giúp làm sáng tỏ những ngộ nhận và khai thông những hiểu biết về đức tin Kitô giáo.
Arius là người đóng vai trò quan trọng khi những tranh cãi thần học xoay quanh lạc thuyết do ông chủ trương, và dĩ nhiên sau này bị Giáo Hội lên án. Tranh cãi bắt đầu khi Arius, một linh mục ở Alexandria, Ai cập (khoảng 256–336), dạy rằng: Đức Giêsu Kitô là con Thiên Chúa, nhưng Ngài là một tạo vật, được Thiên Chúa dựng nên và cho làm nghiã tử. Vì thế, ông kết luận: “có một thời kỳ, người con (Đức Giêsu) đã không có mặt” (ý muốn nói, Chúa Giêsu được tạo dựng, vì thế, trước khi tạo dựng, Chúa Giêsu đã không có hiện hữu; như vậy, Ngài không có hiện diện từ đời đời).
Ông bị giám mục Alexander của thành Alexandria (chết năm 326), họp hội đồng giám mục địa phương năm 321 lên án, cấm ông dạy lạc thuyết này, và ra vạ tuyệt thông cho ông. Arius khiếu nại lên với các giám mục khác, và được giám mục Eusebius thành Nicomedia ủng hộ. Vì thế, Arius tiếp tục giảng dạy. Hơn nữa, thuyết của ông hấp dẫn rất nhiều Kitô hữu bấy giờ vì nó hợp với Kinh thánh , dễ hiểu, bảo vệ được đức tin Độc Thần (Một Chúa), và tránh Đa Thần (nhiều Chúa).[9]
Người chống đối Arius mạnh mẽ nhất là giám mục Athanasius (276-373), với lập luận rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa, và Ngài đã có mặt từ đời đời, không thể nào chấp nhận là “đã có lúc không có Đức Giêsu.”
Tranh cãi trầm trọng đến độ đem lại chia rẽ trong Giáo Hội, và đe doạ sự hợp nhất của đế quốc Roma. Đại đế Constantine (280-337) , sau khi nắm quyền cai trị toàn đế quốc Roma (ở phương Tây) và hợp thức hoá Kitô giáo (năm 313), ông thấy cần bảo vệ sự hợp nhất trong đế quốc. Dù không quan tâm lắm đến vấn đề thần học, Constantine triệu tập công đồng chung Nicea (năm 325) với chừng 300 giám mục (1/6 tổng số bấy giờ) tham dự với hy vọng là nếu Công đồng chung ra quyết định, tất cả các giám mục buộc phải tuân theo. Như thế, trật tự xã hội được bảo đảm. Để chắc chắn thành công, đại đế Constantine áp lực và có khi kỷ luật cho những giám mục không ký vào bản tuyên xưng mới, và có vị còn bị lưu đày.
Thành phần tham dự Công đồng có ba nhóm: một thiểu số theo Arius, một thiểu số theo Athanasius, và đa số không thực sự hiểu những phức tạp của nội dung tranh cãi, nhưng chỉ muốn được bình an.
Khi Công đồng kết thúc, quyết định được đưa ra là lên án Arius, và khẳng định: “Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha (homoousios), và Chúa Con được sinh ra nhưng không phải được tạo thành, và Ngài có từ trước đời đời…”[10]
Nên biết rằng những giáo huấn của Công đồng không nhằm mục đích định nghĩa căn tính của Thiên Chúa, căn tính của Chúa Giêsu Kitô hay giải thích những căn tính này, nhưng chỉ với mục đích là Tuyên Xưng Đức Tin, nghĩa là, đây là điều ta bắt buộc phải tuyên xưng, ngay cả khi ta không hiểu.
Những tuyên xưng này không chấm dứt nhưng tranh cãi trong Giáo Hội về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà tranh cãi vẫn tiếp tục để làm sáng tỏ vai trò Chúa Giêsu và vai trò Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong những Công đồng sau.
(còn tiếp)
Mt. Nguyễn Khắc Hy, S.S.
[1] Trong Phúc Âm Matthew, ta đọc được Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (Mat 28:19). Liệu câu này có phải là câu khẳng định Chúa Ba Ngôi (Cha-Con-Thánh thần) như ta hiểu ngày nay không? Các nhà kinh thánh đều đồng ý rằng đây là công thức tuyên xưng đức tin cho những người gia nhập Giáo Hội thời sơ khai, nhưng nội dung thần học về tín lý Chúa Ba Ngôi lúc bấy giờ hoàn toàn không như ta hiểu mầu nhiệm Ba Ngôi sau này. Nghĩa là, lúc đó Kitô hữu chưa hiểu Chúa Cha-Con-Thánh Thần đồng ngôi vị, đồng bản thể v.v… như Giáo Hội dạy sau này. Ta sẽ nói thêm về nội dung này sau.
[2] Danh xưng “Con Thiên Chúa” được dùng trong Kinh Thánh không nhất thiết nói lên thiên tính của người được lãnh nhận danh xưng này. Trong Cựu Ước, từ “Con Thiên Chúa” đôi khi được dùng để nói đến các thiên thần (Gen 6:2), hay các vị vua (Ps 2:7), hay những người lành thánh (Wis 2:18), hay dân Israel nói chung (Exod 4:22). Đến thời Chúa Giêsu, danh xưng này mang thêm tính Mesia và có hàm ý thiên tính.
[3] Xem thêm thư 2 John 3.
[4] Xem thêm trong 1 Tim 2:5-6 và 1 Cor 8:6.
[5] Đầu thánh lễ, chủ tế đón chào: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Ki-tô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thong hiệp của Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em…”
[6] Từ Logos được hiểu là “Lời, Lý Luận, Tư Duy, Logic…” Trong kinh thánh ta dịch là Lời hay Ngôi Lời. Với tư tưởng triết Hi Lạp, Logos là một sản phẩm của Thượng Đế (Thiên Chúa) ban cho con người và nhờ đó con người biết suy nghĩ. Justin Martyrs dung lý luận này để cắt nghĩa tại sao người Do Thái và Hi Lạp cùng đọc và hiểu được chân lý chứa đựng trong Cựu Ước. Xem J. Blenkinsopp, The Pentateuch: An Introduction to the First Five Books of the Bible (New York, 1992), 176.
[7] Trong sách Sáng Thế kể chuyện có ba nhân vật viếng thăm Abraham ở Mamre (Gen 18:2). Có phải là Thiên Chúa viếng thăm trong hình hài thiên thần không? Tư tưởng này cảm hứng cho Andrei Rublev, một tu sĩ Nga, vẽ bức i-con Chúa Ba Ngôi vào thế kỷ 15. Một nơi khác là câu nói của Thiên Chúa khi tạo dựng vũ trụ: “Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” (Gen 1:26). Liệu chủ từ số nhiều “chúng tôi” ở đây có ám chỉ Ba Ngôi Thiên Chúa và diễn tả căn tính Thiên Chúa hay không?
[8] Xem G. Von Rad, Old Testament Theology, translated by D. M. G. Stalker, (New York, 1962-1965) vol. 2: 206.
[9] Arius trích Kinh Thánh để chứng minh là Chúa Con được tạo dựng bởi Thiên Chúa Cha. Trong John 17:3 “Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Kitô.” Trong Col 1:15 “Người con là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là con đầu được sinh ra trước mọi loài thọ tạo.” và Châm Ngôn 8:22 “ĐỨC CHÚA đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất.” Công đồng Nicea khi lên án Arius đã nói đến bản tuyên xưng đức tin không chỉ dựa vào Kinh Thánh, mà còn dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua Giáo Hội.
[10] Trong bản tuyên xưng này, Công đồng cũng chưa nói nhiều đến vai trò Chúa Thánh Thần, nhưng những công đồng sau sẽ tiếp tục những gì đã được mở đầu ở công đồng này.