Đáp:
Nếu nói về Giám mục địa phận và Giáo hoàng có quyền hành ngang nhau thì không thể, ví dụ như khi tuyên bố một tín điều nào đó (chỉ có Giáo hoàng mới có quyền bất khả ngộ), hoặc nhiều những quyết định khác thuộc lãnh vực tín lý thì Giám mục không được phép (Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội, số 😎.
Giờ đây, chúng ta cùng tìm hiểu sơ lược về sự kế thừa quyền chức Tông đồ (successio apostolica) của Giám mục.
Theo Truyền thống Hội Thánh Công giáo, hàng giáo phẩm địa phương được chia ra ba bậc: một Giám mục chính lãnh đạo, sau đó dưới ngài là linh mục đoàn và các phó tế. Giám mục kế vị các Tông đồ, thì dĩ nhiên sẽ có quyền chức của Tông đồ.
Trong Công đồng Vatican II có cho biết: "Khi được tấn phong Giám Mục, các Giám mục nhận sự trọn vẹn của Bí tích Truyền Chức Thánh mà tập tục phụng vụ Hội Thánh và các thánh Giáo phụ gọi là chức linh mục tối cao và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ. Việc tấn phong Giám mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và cai trị; Tuy nhiên, các nhiệm vụ ấy, do bản tính, chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông với Thủ lãnh và các phần tử Giám mục đoàn" (Lumen Gentium, số 21).
Vì vậy, Giám mục địa phận không thể tự mình mà ban hành điều gì đó hay là quyết định mà không có hiệp thông với Giáo hoàng và Giám mục đoàn của mình.
Sự kế thừa quyền chức Tông đồ (successio apostolica) của Giám mục được chia làm hai loại: kế thừa quyền thánh hóa (successio apostolica materialis) và kế thừa quyền cai trị (successio apostolica formalis). Thí dụ: Đức Giám mục chỉ có quyền thánh hóa mà thôi thì không được phép cai trị. Cũng vậy, khi một Giám mục nào đó mà truyền chức Giám mục cho linh mục nào nhưng không có "sự đồng ý của Đức Giáo hoàng", có nghĩa là không có sự hiệp thông với Đức Giáo hoàng, thì truyền chức Giám mục đó vẫn thành sự nhưng bị mắc vạ tuyệt thông. Thành sự là vì do quyền thánh chức của Giám mục tấn phong, nhưng bị vạ là do quyền cai trị bị Tòa Thánh kìm chế lại. Vì thế, trong một địa phận, có nhiều Giám mục, và các Đức Giám Mục ấy vẫn có sự kế thừa quyền thánh hóa như nhau, nhưng lại kế thừa quyền cai trị khác nhau. Đức Giám Mục lãnh đạo chính trong một địa phận thì có toàn quyền trên địa phận của mình về lập pháp, hành pháp và tư pháp (Giáo luật điều 391,1). Đức Giám Mục phó (coadjutor bishop) hoặc phụ tá (auxiliary bishop) thì giáo luật khuyên Đức Giám Mục địa phận trao chức Tổng đại diện (vicarius generalis) cho các ngài (Giáo Luật, số 406,1). Nếu xét về chức thánh, Giám mục phó hoặc phụ tá sẽ trên quyền Tổng đại diện, nhưng xét về quyền cai trị thì Tổng đại diện lại có quyền hơn Giám mục phó hoặc phụ tá.
Còn về chức vụ linh mục, Công đồng Vatican II cho biết rằng, Linh mục không có quyền tư tế tối cao và phải tùy thuộc vào Giám Mục khi thi hành quyền bính. Linh mục cũng phải hiệp nhất với Giám Mục trong tước vị Linh mục. Linh mục chỉ là cộng sự viên sáng suốt và là dụng cụ của hàng Giám mục mà thôi (Lumen gentium số 28).
Kết luận, vì ơn ích cho sự cứu rỗi các linh hồn của đoàn chiên trong Giáo phận mình (trong đó có cả linh mục, phó tế), Giám mục chính có toàn quyền tuyên bố hoặc ban hành những gì liên quan đến đời sống đức tin Kitô giáo cũng như nhu cầu của Hội thánh địa phương mình (như chiến tranh, tai ương, bệnh tật...), theo Công Đồng Vatican, "Trong việc chu toàn nhiệm vụ tông đồ nhằm cứu rỗi các linh hồn, các Giám Mục tự mình được hưởng quyền tự do đầy đủ và hoàn toàn, cũng như quyền độc lập đối với bất cứ quyền hành dân sự nào. Vì thế, không được phép trực tiếp hay gián tiếp ngăn trở việc thi hành nhiệm vụ thuộc phạm vi Hội Thánh của các ngài, hoặc không cho các ngài tự do liên lạc với Tòa Thánh, với những Thẩm Quyền khác trong Giáo Hội và với những kẻ thuộc quyền" (Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội, số 19). Thế nhưng, sự toàn quyền của Giám mục địa phận phải thực thi trong sự hiệp thông với Giáo Hoàng và Giám mục đoàn của mình (số 4).
Lm. Khất Tuệ