Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

NGƯỜI THEO ĐẠO CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM ĐƯỢC GỌI LÀ GIÁO DÂN

TỪ KHI NÀO VÀ AI ĐÃ ĐẶT RA CÁCH GỌI ẤY ?

Theo sách Khâm định Việt sử, thì từ năm Nguyên Hòa nguyên niên đời vua trang Tông nhà Lê (1533) có người Tây tên là I-nê-khu đi đường bể vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh, thuộc huyện Nam Chân (tức Nam Trực) 

Năm Nhâm Thìn (1712) đời vua Lê Dụ Tông, chúa Trịnh Cương bắt những người theo đạo Công giáo phải cạo trán và khắc vào mặt bốn chữ “học Hoa Lan đạo”. Tại sao gọi đạo Công giáo là đạo Hoa Lan? Hoa Lan tức là Hòa Lan (Hollande/Netherlands). Người Hòa Lan sang buôn bán ở Đàng Ngoài trước hết cả cho nên mới gọi là đạo Hòa Lan. Vả lúc bấy giờ người dân nước ta không phân biệt được những nước nào, hễ thấy người phương Tây đều gọi là người Hòa Lan.

Sau đó không gọi đạo Hoa Lan mà gọi là đạo Da tô (Chữ “Da” trong Da tô, viết chữ Hán thuộc bộ “Nhĩ” đọc là “Da” chứ không phải “Gia”). Da tô là phiên âm tên Jésus- Đấng sáng lập ra đạo Thiên Chúa- sang tiếng Trung Quốc, cho nên gọi đạo Da tô là vậy. Nước ta trước khi có các giáo sĩ sang truyền đạo Da tô thì “tự xưa đến nay vẫn theo Nho giáo, lấy sự thờ cúng ông cha làm trọng, lấy sự tế tự thần thánh làm phải, mà lệ nước thì lấy sự cúng tế làm một việc rất quan trọng. Đột nhiên thấy nhiều người mình theo đạo Thiên Chúa, bỏ cả các thói cũ, chỉ chuyên về một mặt theo đạo mới, bởi vậy cho nên trong Nam ngoài Bắc, vua chúa đều cho đạo ấy là một tà đạo, làm hủy hoại cả cái phong hóa của nước nhà xưa nay, bèn xuống chỉ cấm không cho người trong nước theo đạo mới nữa, và đặt ra phép nghiêm để bắt tội những kẻ không tuân theo chỉ dụ ấy” ( Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa Thông tin, tr. 367)

Dân theo đạo Da tô được gọi là ‘tả đạo” hoặc “dửu dân”.

Triều đình nhà Nguyễn gọi những tín đồ đạo Da tô là “tả đạo” hoặc “dửu dân”. Sách Hán văn tân giáo khoa thư lớp đồng ấu do Lê Thước và Nguyễn Hiệt Chi soạn, Nha Học chính Đông Pháp xuất bản năm 1930 , cuối trang 12 giải thích “Tả đạo”: “nghĩa là đạo trái. Ta quen gọi đạo Da tô là “tả đạo”. Hán văn tân giáo khoa thư lớp sơ đẳng, trang 33, tác giả giải thích “tả đạo”: “nghĩa là đạo trái, người ta quen gọi đạo Thiên Chúa”.

Dửu dân có nghĩa là dân xấu. Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích nghĩa chữ “dửu”: cỏ vực, hay mọc trong ruộng lúa làm hại lúa, cho nên cái gì ác hại gọi là dửu. Tục dân tốt gọi là lương, tục dân xấu gọi là dửu. Người xưa có câu: “ Lương dửu bất tề” (Người tốt và người xấu không như nhau).

Dân theo đạo Da tô được gọi là dửu dân, dân không theo đạo Da tô được gọi là lương dân.

Tháng 6 năm Tân Dậu (1861) triều đình nhắc nhở việc phân sáp người theo đạo Da tô: “ …phàm những dân đạo trai gái già trẻ, không cứ đã bỏ đạo hay chưa, đều thích chữ vào mặt, chia ghép đến ở vào xã thôn không có đạo, mà phải quản thúc cho nghiêm. Những tên đầu mục hung ác vẫn nghiêm giam như cũ. Nếu người Tây dương đến nơi, thì đem bọn dân đạo ấy giết cho hết” (Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.725).

Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn kể lại việc thích chữ vào mặt : “Giáo dân lớn nhỏ bắt bừa/ Bắt ra thích tự chẳng chừa gái trai/ Tội chi nào biết hỏi ai/ Xẻ mày, xẻ mặt chịu chai, chịu lỳ” ( Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, Tác giả tự xuất bản, tr.99)

Thích chữ gì vào mặt người theo đạo Da tô: Tả đạo hay Tà đạo? Trong một tấm ảnh xưa, hai chữ được thích trên má trái những người theo đạo Da tô là hai chữ “Tà Đạo”.

Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1862): “lại tha tội cho những dân xấu chưa bỏ đạo ở các hạt, lấy cớ là hòa nghị đã xong nên bỏ lệ cấm đó” (Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.780). Linh mục Đặng Đức Tuấn nhắc đến sự kiện bãi bỏ lệnh bắt đạo: “Mười bảy tháng sáu chỉ ra/ Nam tráng đầu mục thảy tha phản hồi” ( Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, sđd, tr. 162).

Tuy đã bãi bỏ lệnh bắt đạo, nhưng người theo đạo Da tô vẫn còn bị gọi là tả đạo hoặc dửu dân. Tháng 12 năm Mậu Thìn (dương lịch đã sang năm 1869): “ Giám mục Đông (nguyên ở Hà Nội giảng đạo), Giám mục Hậu, Giám mục Bình[**] đệ đơn đến  bộ Lễ đổi 4 chữ “tả đạo”, “dửu dân”. Bộ Lễ cho là triều đình thương dân như một, vốn không có phân biệt phàm kính làm sổ sách, hoặc khi có giấy tờ, cho đổi viết là dân đạo, dùng để cho nhớ mà thôi. Vua y cho” (Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, tr.1149).

Dân đạo gọi là “Giáo dân”, dân lương gọi là “Bình dân”

Tháng 10 năm Giáp Tuất (1874) “Chuẩn cho dân đi đạo đổi gọi là giáo dân, dân đi lương đổi gọi là bình dân. (Từ trước đến nay dân theo đạo, hoặc gọi là dửu dân, hoặc gọi là tả đạo, từ khi bỏ cấm, bỏ các chữ dửu, chữ tả chỉ gọi đơn giản bằng chữ đạo. Gần đây cứ lời Khâm sứ đóng ở Kinh nói rằng: lương, đạo đều gọi, chưa khỏi sỉ nhục giáo ấy. Đã chuẩn cho quan ở nha Thương bạc đem nghĩa hai chữ ấy trả lời, nói: Lương là an thường thủ phận, không làm gian ác; Đạo là khuyên người làm lành, không làm bất chính. Hai chữ đối nhau, văn nghĩa giống nhau, lại tốt xấu gì, đạo gọi là đạo mà lương không gọi là lương thì gọi là gì? Rồi sứ ấy đã biết chữ lương không để bỏ được, lại yêu cầu phàm những người theo giáo ấy gọi là nghĩa dân, đức dân, quan ở nha Thương bạc cho là sứ ấy đã nói nhiều như thế, xin gọi là giáo dân. Vua y cho, nhân chuẩn cho dân lương cũng đổi gọi là bình dân)” (Đại Nam thực lục tập 8, Nxb Giáo dục, tr.75)

Năm 1885 phong trào Sát Tả bình Tây nổi lên cả dân đạo lẫn dân lương đều bị tàn phá: “Đạo dân đã hết cửa nhà/ Bình dân nay đã cháy ra tro tàn” ( Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, sđd, tr.537).

Tuy đã được quy định dân đạo gọi là “Giáo dân”, dân lương gọi là “Bình dân” nhưng người dân vẫn quen miệng gọi người theo đạo Da tô là “Tả đạo”. Trong bài hát giặm sáng tác sau năm 1885, nói về cuộc khởi nghĩa của Lê Ninh được phổ biến, lưu truyền rộng rãi trong dân chúng Nghệ Tĩnh: “Lương dân và tả đạo/Đường buôn bán thông hành/ Vô hà sự tương tranh…”; “ Bên giáo với lương dân/ Giai quốc gia xích tử/ Giai triều đình xích tử” ( Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, sđd, tr. 450)

Thuật ngữ “ Đạo dân/ Giáo dân” để chỉ người Công giáo; “ Lương dân/ Bình dân” để chỉ người không Công giáo đều không chuẩn. Bởi vì ở Việt Nam không chỉ có đạo Công giáo mà còn có đạo Phật, Cao Đài, Hòa Hảo…Do đó khi nói “đạo dân”, “giáo dân” thì phải nói đạo nào, giáo nào. Hơn nữa “ lương dân” là dân tốt, “ bình dân” là dân thường thì ở đâu cũng có. Tuy nhiên thuật ngữ chỉ là một quy ước về ngôn ngữ. Theo một quy ước bất thành văn nào đó, người ta vẫn gọi người theo đạo Công giáo và không Công giáo bằng hai từ “ Giáo- Lương”: “Đoàn kết Lương- Giáo”.

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang

-----------------

Chú thích:

 [*] Làng Ninh Cường nay thuộc xã Trực Phú, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Làng Quần Anh nay thuộc xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; Làng Trà Lũ nay thuộc xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

 [**] Giám mục Đông tên là Pierre Jean Marie Gendreau. Vào thời điểm năm 1869, Giám mục Đông mới là Linh mục mà thôi. Linh mục Gendreau Đông được tấn phong Giám mục vào ngày 16.10.1887, coi sóc Giáo phận Tây Đàng Ngoài  (Giáo phận Hà Nội); Giám mục Hậu tên là Jean Denis Gautier coi sóc Giáo phận Nam Đàng Ngoài ( Giáo phận Vinh); Giám mục Bình tên là Joseph Hyacinthe Sohier coi sóc Giáo phận Bắc Đàng Trong (Giáo phận Huế).

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Nghệ