Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

Giuđa kẻ phản bội

Từng là một trong những tông đồ được Chúa tin tưởng nhất, Giuđa trở thành biểu trưng của lòng phản bội và tính hèn nhát. Việc phân tích các chi tiết trong Kinh Thánh và thu thập những sử liệu, tranh vẽ đã cung cấp thêm thông tin về nhân vật này.

 Kể từ thời khắc hôn lên mặt Chúa Giêsu tại vườn Gethsemane, Giuđa Ítcariốt đã xác định số phận của chính mình: bị ô danh đời đời trong lịch sử nhân loại là kẻ phản bội khét tiếng nhất. Với hành động giao nộp Thầy cho nhà cầm quyền Do Thái, Giuđa đã mở đầu cuộc Thương Khó: Chúa Giêsu bị bắt giữ, vụ xét xử, cái chết trên thập tự giá và Phục Sinh.

Có rất ít thông tin về Giuđa trong Thánh Kinh, dù tên ông ta thì ai cũng biết. Trong những năm gần đây, giới nghiên cứu đã cố gắng vẽ nên chân dung rõ nét hơn của người này bằng việc tổng hợp nhiều nguồn tài liệu.

Nụ hôn của Giuđa đã được nhiều danh hoạ vẽ lại

Giuđa Ítcariốt là ai?

Thông qua một vài chi tiết ít ỏi trong Thánh Kinh, cả 4 Phúc Âm đều công nhận Giuđa từng nằm trong nhóm tông đồ thân cận nhất của Chúa Giêsu. Ðáng chú ý hơn nữa, trong số những chi tiết hiếm hoi ấy, Giuđa Ítcariốt lại được Thánh Kinh nói về quê quán. Một số học giả liên kết họ “Ítcariốt” (Iscariot), với Queriot (hoặc Kerioth), thị trấn ở phía nam Jerusalem, thuộc miền Judea.

“Một trong những điểm có thể tách biệt người này khỏi các tông đồ khác của Chúa Giêsu là Giuđa không đến từ vùng Galilee”, History dẫn lời nhà nghiên cứu Robert Cargill của Ðại học Iowa (Mỹ) và là biên tập viên của tạp chí Biblical Archaeology Review. “Chúa Giêsu đến từ miền bắc Israel, nhưng họ của Giuđa có thể là bằng chứng cho thấy nhân vật này đến từ miền nam”, theo ông Cargill.

Giuđa giữ quỹ chung của các tông đồ và thường ăn cắp tiền từ quỹ này

Ðộng cơ phản bội

Theo Phúc Âm thánh Gioan, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ trong Tiệc Ly rằng, một trong số họ phản bội Thầy. Khi các môn đệ hỏi người ấy là ai, Chúa Giêsu trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai thì chính là kẻ ấy” (Ga 13,26).  Rồi Ngài chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt. Lúc này, Thánh sử Gioan lại đề cập sự ảnh hưởng của Satan: “Y vừa ăn xong miếng bánh, Satan liền nhập vào y” (Ga 13,27a).

Sau đó, Giuđa tiến vào đền thờ và đề nghị phản bội Giêsu để đổi lấy 30 đồng bạc, theo Phúc Âm thánh Matthêu. Giống như Phúc Âm thánh Gioan, Phúc Âm thánh Luca cũng cho rằng chính sự tác động của Satan, chứ không chỉ đơn thuần là sự tham lam, là lý do cho hành động phản bội của Giuđa. Tuy nhiên, theo thánh sử Gioan, Giuđa là người giữ quỹ chung của Chúa Giêsu và các tông đồ và đã ăn cắp tiền từ quỹ này.

Những người khác đưa ra lý do về động cơ chính trị cho hành vi phản Chúa của Giuđa. Nhà nghiên cứu Cargill phân tích, có thể Giuđa lo sợ bị liên lụy trước các cáo buộc của những kẻ chống đối Chúa Giêsu thời đó đưa ra là Người muốn nổi lên, gây loạn để giải phóng người Do Thái khỏi ách áp bức của đế quốc La Mã.

Chúa Giêsu đã nói về kẻ phản bội trong Tiệc Ly

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Bất chấp động cơ là gì, Giuđa dẫn binh lính đến vườn Gethsemane, và xác định Chúa Giêsu bằng cách hôn Người. Theo Phúc Âm thánh Matthêu, Giuđa ngay lập tức hối hận về hành vi của mình và trả lại 30 đồng bạc cho các thượng tế và kỳ mục, nói rằng: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan”. Khi bị họ đuổi đi, Giuđa đã quẳng lại số tiền trên nền nhà và tự sát bằng cách treo cổ.

Sự phản bội của Giuđa đã dẫn đến việc Chúa Giêsu phải chịu khổ hình. Kể từ đó, cái tên “Giuđa” đồng nghĩa với tính phản trắc trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, và Giuđa Ítcariốt xuất hiện trong văn chương và mỹ thuật phương Tây như là một mẫu hình của kẻ phản bội và tên bạn xấu. Tác phẩm “Thần khúc” của Dante đã đày ải Giuđa đến tầng địa ngục cuối cùng, trong khi những danh họa như Giotto và Caravaggio, đã họa lại “cái hôn Giuđa” trong những bức tranh vô giá của họ.

Giuđa thiếu lòng tin vào Lòng Thương Xót của Chúa nên đã tự sát

LING LANG