Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

KHI DÂNG LỄ CẦU CHO AI THÌ LINH MỤC CÓ CẦN RAO TÊN NGƯỜI ĐÓ KHÔNG ?

1. Có người xin lễ cầu cho thân nhân qua đời, nhưng trong lễ không thấy linh mục dâng lễ nói gì đến tên của linh hồn kia, như vậy có được không?

2. Tại sao linh mục đọc tên người xin lễ cho người này mà không rao tên người khác, hay vì người ta bỏ nhiều tiền thì được rao còn ít tiền thì không ?

3. Có nơi người ta nói rõ là nếu dâng cúng bao nhiêu tiền cho việc xây cất nhà thờ thì khi chết, sẽ được cha xứ tiễn đưa ra tận nghĩa trang và dâng 3 thánh lễ để cầu nguyện cho. Như vậy lợi ích thiêng liêng của việc này như thế nào ?

Trả lời:

1. Tôi đã nhiều lần nói rõ là ơn thánh Chúa ban cho ai được hưởng ý lễ ( mass intentions) thì hoàn toàn không lệ thuộc vào số tiền nhiều ít người ta bỏ ra , cũng như không dính dáng gì đến việc có được đọc tên cho mọi người dự lễ nghe hay không.

Nhân các câu hỏi trên ,tôi xin trả lời thêm một lần nữa như sau:

Thông thường ở các giáo xứ - khi có người xin lễ cầu cho ai- thì trong bản tin mục vụ của giáo xứ có ghi rõ ngày giờ và tên người được hưởng ý lễ.. Cho nên, linh mục nào dâng lễ ngày ấy thì phải cầu nguyện theo ý chỉ. Linh mục cũng được khuyến khích nhắc ý lễ hôm nay cầu cho ai để người xin lễ được an tâm là lễ mình xin đã được làm .Nhưng không có luật buộc phải rao tên như vậy, mà chỉ có luật buộc phải làm lễ theo ý chỉ ( mass intentions) để được hưởng bổng lễ ( Mass stipend) của người xin mà thôi. ( x giáo luật số 945).

Như vây, những việc bề ngoài như kéo chuông, thắp thêm đèn nến trong nhà thờ và rao tên của người được hưởng ơn ích thiêng liêng của Thánh Lễ, thì hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc Chúa ban ơn thánh của Người cho ai được hưởng ý lễ, vì ơn Chúa không bao giờ có thể mua được bằng tiền bạc và những hình thức phô trương bên ngoài như người ta vẫn quen làm. Xin nhớ kỹ điều này để đừng ai lầm tưởng rằng nếu bỏ nhiều tiền ra xin lễ, mời thêm linh mục đồng tế và kéo chuông inh ỏi thì được nhiều ơn Chúa hơn là thánh lễ chỉ có một linh mục làm âm thầm, và người xin lễ không có nhiều tiền để dâng cúng như những người giầu có muốn khoe khoang. Bổng lễ ( mass stiends) tức tiền xin lễ chỉ có mục đích đãi ngộ cho linh mục dâng lễ chứ không có giá trị xin ơn Chúa vì ơn thánh của Chúa là vô giá và nhưng không ( invaluable and gratuitous), nghĩa là không thể mua được bằng tiền bạc hay bất cứ của châu báu nào ở trần gian này .

Thiên Chúa là tình thương, rất nhân từ và hay tha thứ, nhưng cũng rất công minh khi phán đoán và ban ơn thánh của Chúa cho con cái loài người.

Nói rõ hơn, nếu một người khi còn sống đã thực tâm yêu mến Chúa, yêu mến tha nhân và sống theo đường lối của Chúa, thì dù khi chết không có ai xin lễ cầu cho, và ngay cả không được phép đưa xác vào nhà thờ ( như đã xảy ra ở một địa phương kia bên nhà) vì không thân quen với cha xứ, thì cũng không hề thiệt thòi gì, vì đời sống của mình đã đủ để Chúa đoái thương ban phúc trường sinh. Ngược lại, một người khi còn sống đã khước từ Thiên Chúa để chạy theo những lợi lãi của trần gian, không bác ái thương giúp ai, thì khi chết dù cho thân nhân có bỏ ra hàng triệu đồng để xin lễ, mời mấy chục linh mục đồng tế và có cả giám mục dự lễ và tiễn đưa ra tận nghĩa trang thì cũng vô ích mà thôi.

Đó là lý do vì sao Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ và dân Do Thái xưa là : “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống (mất linh hồn), thì nào có lợi gì.?”(Mt 16: 26; Mc 8: 36; Lc 9: 25).

Như vậy điều quan trọng đối với người tín hữu chúng ta là khi còn sống hãy lo cho phần rỗi của mình bằng quyết tâm bước đi theo Chúa Kitô là “con Đường, là sự Thật và là sự Sống” ( Ga 16:6) để xa tránh mọi sự dữ và tội lỗi đến từ ma quỉ và thế gian. Nghĩa là “hãy lo tìm Nước Thiên Chúa , còn các thứ khác Người sẽ thêm cho.” ( Lc 12: 21) để không chạy theo những lôi cuốn tội lỗi của thế gian mà tôn thờ tiền của và mọi thú vui vô luân vô đạo, thay vì phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Có xa tránh được những cạm bẫy trên thì mới có thể nâng tâm hồn lên với Chúa là cội nguồn của mọi vinh phúc, giầu sang ở nơi mà , “ mắt chưa hề thấy, tai chẳng hề nghe , lòng người chưa hề nghĩ đến, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người.” ( 1 Cor: 9) như thánh Phaolô đã dạy.

2. Liên can đến việc xin lễ cầu cho người sống hay người đã ly trần, xin nói lại một lần nữa là việc rao tên của người được hưởng ý lễ không phải là điều bắt buộc theo giáo lý và giáo luật của Hội Thánh.Mình xin lễ cầu cho ai thì Chúa đã biết việc tốt mình làm và sẽ ban ơn cho người đáng hưởng lợi ích của Thánh lễ. . Còn linh mục có nhớ cầu xin theo ý lễ đã dâng hay không thì đó là trách nhiệm của linh mục. Nếu nhận ý lễ mà không dâng lễ theo ý người xin, thì linh mục có lỗi trước mặt Chúa và không được phép hưởng bổng lễ đó. Nhưng Chúa vẫn ban ơn theo ý người xin thể theo lòng nhân từ thương xót và công bằng của Chúa như đã nói ở trên. Nghĩa là nếu người đã ly trần khi còn sống đã chọn Chúa làm gia nghiệp để thực tâm yêu mến Người, và yêu thương tha nhân như Chúa dạy, thì dù cho không có ai cầu nguyện hay xin lễ cầu cho, thì cũng không thiết thòi gì vì đời sống trần gian của người đó đã xứng đáng để hưởng lòng thương xót công minh của Chúa.

Ngược lại, nếu ai – trong suốt cuộc đời mình trên trần thế- đã chọn thế gian với những vui thú lợi lãi vô luân vô đạo, thay vì chọn Chúa là nguồn hạnh phúc thực sự, thì “cây nghiêng chiều nào sẽ đổ chiều đó”, và cho dù thân nhân còn sống có bỏ ra hàng triệu đôla để xin “lễ đời đời” thì cũng vô ích mà thôi. Chắc chắn như vậy. Nước Thiên Đàng và phần rỗi của con người không bao giờ có thể mua được bằng tiền của, hay vàng bạc, kim cương đá quí của trần gian.

Sau hết, nếu ai có lòng tốt, dâng cúng tiền bạc để giúp xây nhà thờ , nhà Dòng, nhà hưu dưỡng hay nhà nuôi trẻ mồ cô, khuyết tật, thì việc bác ái này tự nó đã có giá trị thiêng liêng trước mặt Chúa rồi, và Chúa sẽ trả công bội hậu cho người có lòng bác ái thực sự đó. Phải nói là có lòng bác ái thực sự để phân biệt với những người bỏ công giúp của chỉ vì muốn được tiếng là rộng lượng hảo tâm, nhưng thực chất là muốn khoe khoang, và chuộng hư danh vì được đề cao, khen tặng.

3- Lại nữa, việc có nhiều linh mục hay có cả Hồng Y giám mục dâng lễ và tiễn đưa ra tận nghĩa trang thì cũng không hề ảnh hưởng gì đến việc Chúa ban ơn cho người còn sống hay đã lìa đời. Vậy nơi nào hứa hẹn “đặc ân” này cho ai dâng cúng tiền rộng lượng để xây nhà thờ, nhà nguyện, chủng viện, dòng tu…thì chỉ có giá trị trần thế đối với các ân nhân của mình, chứ không dính dáng gì đến việc Chúa ban ơn như đã nói ở trên. Vậy đừng ai lầm tưởng là lễ tang của thân nhân mình có đông linh mục đồng tế, hay có Giám mục chủ tế và tiễn đưa ra nghĩa trang thì chắc được nhiều ơn Chúa hơn ai không được vinh dự này trước mặt người đời.

Tóm lai, cầu nguyện và xin lễ là những việc lành có giá trị thiêng liêng rất cao, đáng khuyết khích trong Giáo Hội. Nhưng không thể coi đây là bảo đảm phần rỗi cho những ai không đóng góp phần cộng tác của mình vào ơn cứu độ mà chỉ trông nhờ người khác làm thay cho mình , bằng cách bỏ nhiều tiền ra để “ mua bảo hiểm đời sau” tức xin “lễ đời đời” của những nơi dối gạt người không hiểu biết về việc này. Phải nói là dối gạt , vì không ai có thể sống đời đời trên trần thế này để cầu nguyện hay dâng lễ đời đời cho người khác. Vả lại, không có linh hồn nào phải ở luyện tội đời đời cả, mà chỉ ở đây trong một thời gian dài hay ngắn tùy lượng khoan dung và công bằng của Chúa.Nghiã là các linh hồn thánh trong Luyện tội chắc chắn sớm muộn sẽ được vào Thiên Đàng vì đã ra đi trong ơn nghĩa Chúa , nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn nên cần được thanh luyện ở nơi này một thời gian.( x SGLGHCG số 1030)

Chỉ có những kẻ đã xa lìa Chúa vĩnh viễn ở nơi gọi là hỏa ngục thì mới phải ở đây đời đời mà thôi. Nhưng các tín hữu còn sống, các Thánh trên trời và các linh hồn thánh trong Luyện tội không thể giúp gì cho các linh hồn ở chốn hỏa ngục được, vì không có sự hiệp thông nào giữa nơi này với Thiên đàng , với các tín hữu còn sống trên trần gian và với các linh hồn trong Luyện tội.( x SGLGHCG số 1033).Nếu đã không có sự hiệp thông, thì cầu nguyện hay xin lễ đời đời cũng vô ích cho những ai đang bị giam cầm ở đây. Như vậy, ý niệm dâng lễ đời đời là vô nghĩa vì không thể áp dụng được cho các linh hồn thánh nơi luyện tội hay đã vinh viễn xa lìa Chúa ở hỏa ngục.

Đây là căn bản giáo lý, tín lý và thần học của Giáo Hội về việc Chúa ban ơn thánh của Người cho các tín hữu còn sống, hay đã qua đời và đang còn được thanh luyện trong nơi gọi là Luyện tội (purgatory)

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn