Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

Ý NGHĨA BỨC ẢNH ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP

 Ý nghĩa bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

 Trong các Thánh đường thường có bàn thờ Đức Mẹ Maria với bông hoa nến cháy sáng gần như đêm ngày. Cung cách lòng đạo đức này thể hiện nếp sống đức tin của con người. Vì thế, tùy theo tập tục lòng sùng kính của người giáo dân xứ đạo mà tượng Đức Mẹ nào được đặt dựng ra để tôn kính, như đức Mẹ ban ơn lành, đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức mẹ sầu bi…

Có những thánh đường treo mẫu ảnh Đức Mẹ hằng cứu giúp, hoặc in trên giấy lồng trong khung kính, hoặc thêu trên một tấm vải. Mẫu ảnh Đức Mẹ hằng cứu giúp khác hẳn với những bức tượng ảnh Đức Mẹ người Công giáo vẽ tạc theo nét văn hóa của Tây phương. Ảnh Đức Mẹ hằng cứu giúp mang nét vẽ văn hóa nền thần học đạo đức của bên giáo hội Đông phương – Byzantin –

Đang khi nét vẽ văn hóa tôn giáo của giáo hội bên Tây phương về Đức mẹ có nhiều màu trắng là chính, pha trộn màu xanh nhạt, thì nét vẽ theo văn hóa lòng sùng kính Đức Mẹ Byzantin nhiều màu vàng làm nền khung pha lẫn màu xanh đậm tối và đỏ.

Nhưng đâu là ý nghĩa sứ điệp mẫu ảnh Đức Mẹ hằng cứu giúp?

1. Về lịch sử nguồn gốc bức ảnh Đức mẹ hằng cứu giúp có nhiều tương truyền để lại từ trung cổ. Trên bức ảnh ta nhìn thấy Đức Mẹ Maria trên tay bồng ẵm Chúa Giêsu. Ánh mắt Đức Mẹ nhìn thẳng vào người ngắm nhìn ảnh chứ không hướng về Chúa Giêsu trên tay mình, và cũng chằng hướng lên trời cao. Ánh mắt nhìn của Đức Mẹ tỏa nét nghiêm nghị buồn sầu, nhưng lại như có sức thu hút lôi kéo sự chú ý của người nhìn vào bức ảnh.

2. Chúa Giêsu ngồi trên tay Đức mẹ như một em bé tuổi thơ, nhưng gương mặt tỏa ra nét của một người lớn tuổi.

3. Khung nền bức ảnh toàn là màu vàng. Theo suy nghĩ thời trung cổ, màu vàng là biểu tượng nói về bầu trời. Đức mẹ khoác áo choàng màu xanh tối đậm có lớp vải lót bên trong màu xanh lá cây và áo dài màu đỏ. Ba màu xanh da trời, xanh lá cây và đỏ là những màu của nữ hoàng vua chúa. Chỉ nữ hoàng được mang mặc màu này thôi.

4. Trên vầng trán Đức mẹ có ngôi sao tám cánh, có lẽ về sau người ta vẽ thêm vào, nhưng ý nghĩa muốn diễn tả theo như văn hóa thần học Đông phương, Đức Mẹ là ngôi sao dẫn đường chỉ lối cho ta hướng về Chúa Giêsu. Và để làm nổi bật ý nghĩa này một vòng tròn hình thánh giá được vẽ chung quanh đầu Đức Mẹ.

5. Phía bên cạnh Đức mẹ có những chữ viết tắt bằng tiếng Hylạp „ MR TU“ – Mater Theou, có nghĩa là Mẹ Thiên Chúa.

6. Phía bên Chúa Giêsu có hàng chữ cũng bằng tiếng Hylạp „ IC XC“= Jesuos Christos: Chúa Giêsu, Đấng cứu thế.

7. Hai bên phía trên bức ảnh có hình hai Thiên Thần. Hình Thiên Thần phía bên trái cầm chiếc đòng ngọn giáo có hàng chữ chú thích: „ O AR M“ = O Archangelos Michael= Tổng lãnh Thiên Thần Michael. Vị tổng lãnh thiên thần này chỉ huy các Thiên Thần chống lại quỷ dữ Satan nổi loạn chống Thiên Chúa, như sách Khải huyền diễn tả ( Kh 12,7). Vị Tổng lãnh Thiên Thần này có tên Quis ut Deus : Ai bằng Thiên Chúa.

Thiên Thần Michael cầm chiếc bình nước đắng cùng với cây gậy có quấn miếng bọt biển thấm nước, mà người lính đưa lên cho Chúa Giêsu nhắp uống lúc Ngài bị treo trên thập giá (Mt 27,48). Tay ông cũng cầm một cây đòng nhọn, thứ khí cụ này quân lính dùng đâm thủng cạnh sườn Chúa Giêsu thâu vào trái tim khi chết trên thập giá (Ga 19,28-36).

8. Hình Thiên thần bên phải với dòng chữ „O AR G“ O Archangelos Gabriel= Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel. Vị tổng lãnh Thiên Thần này đã đến truyền tin cho Đức mẹ, báo tin Chúa Giêsu xuống làm người trong cung lòng Đức Mẹ Maria (Lc 1,28). Trong tay Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel cầm cây thánh giá và 4 chiếc đinh sắt. Những dụng cụ này nói lên cuộc đời Chúa Giêsu sẽ phải chịu đau khổ chết trên thập giá thế nào.

9. Chúa Giêsu ngồi trên tay Đức Mẹ ngoái cổ nhìn sang hai bên phía trên đầu thấy hai Thiên Thần một vị cầm bình nước đắng và một vị cầm cây thập giá với đinh nhọn làm Ngài sợ hãi. Như em bé đang lúc sợ hãi, chui vào lòng mẹ mình, Chúa Giêsu sợ hãi quá nên ngồi nép sát vào lòng Đức mẹ, hai tay ôm chặt lấy mẹ mình tìm sự che chở an toàn. Có lẽ trong lúc sợ hãi đó chiếc dép rơi tuột khỏi chân Chúa Giêsu như trong hình vẽ họa lại.

*************

Đức Mẹ tuy bồng ẵm Chúa Giêsu trong lúc con mình sợ hãi, nhưng lại không hướng ánh mắt về con mình, mà về phía người đối diện ngắm nhìn bức ảnh. Điều đó như Đức Mẹ muốn nhắn gửi sứ điệp:

"Là người Mẹ, tôi biết con tôi đang tìm sự an ủi chở che, nên ngồi sát nép vào lòng tôi tìm sự an ủi giúp đỡ để con tôi làm trọn hảo ý Thiên Chúa muốn. Và tôi chấp nhận vâng theo ý Thiên Chúa bằng lòng để con tôi hy sinh cho công cuộc cứu rỗi loài người khỏi vòng tội lỗi. Tôi đã nói lời xin vâng theo ý Thiên Chúa ngay từ giây phút Thiên Thần đến truyền tin cho tôi. Điều này tôi không bao giờ rút lại.

Như Chúa Giêsu, con tôi, nép sát mình bên tôi khi sợ hãi lúng túng nhìn thấy cây thập giá, con người các bạn trong cơn khốn khó đau khổ, cũng được phép chạy đến tìm sự an ủi giúp đỡ nơi tôi.

Tôi là người mẹ luôn sẵn sàng phù hộ giúp đỡ cho những người cần đến kêu cầu tôi.

Và trong dòng thời gian do lòng kính mến cùng biết ơn, người ta ca tụng tặng tôi danh hiệu: Đức Bà phù hộ các giáo hữu! Đức Bà an ủi kẻ âu lo!

Tôi vui mừng được làm công việc của một người mẹ bây giờ ở trên trời chuyển lời cầu xin của người tín hữu tới nhan Thiên Chúa, Đấng là kho tàng mọi ân đức phúc lộc cho con người."

Và đó đây trong kinh cầu Đức mẹ hằng cứu giúp, người tín hữu Chúa Kitô hát kêu xin: "Con xin dâng lên gia đình con cái, trong tay khoan nhân của Mẹ Chúa trời! Xin Mẹ thương hãy giúp đỡ con!"

Ôi lời kinh thắm thiết chan chứa tâm tình vừa lòng yêu mến và cũng vừa lo lắng cho đời sống con người bắt đầu từ trong gia đình mình!".

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long