Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

ĐỀN ÔNG THÁNH GIỮA XÓM LÀNG

 CÔNG GIÁO VIỆT NAM 

Giáo hội Công giáo tại Việt Nam vinh hạnh vì có 117 vị tử đạo được tôn phong lên hàng hiển thánh. Trên khắp các bản làng Công giáo, dễ thấy đền đài các thánh nhân hiện diện. Ðó không chỉ là chốn tôn nghiêm để suy tôn, tưởng nhớ..., mà còn là nơi quần tụ của cộng đồng Công giáo địa phương. Từ nơi này, nhóm lên những nghĩa cử tốt lành.

 Cái Mơn và cộng đoàn Dân Chúa Cái Mơn được biết đến là “cái nôi” của Công giáo tại giáo phận Vĩnh Long, và cũng có thể nói của Nam bộ. Cái Mơn là xứ cổ. Nhà thờ lâu đời. Tu viện Mến Thánh Giá đã hình thành ngót nghét 2 thế kỷ. Trong lịch sử phát triển đức tin, Cái Mơn góp cho Hội Thánh Việt Nam một vị thánh là cha Philiphê Phan Văn Minh. Cha thánh, linh mục tiên khởi người gốc Cái Mơn, tử đạo năm 1853. Ngày nay, tại xứ hoa kiểng này, đền ông thánh được xây dựng cách nhà thờ họ đạo tầm 500m. Hằng ngày, tín hữu đều đều nguyện kinh, kính nhớ.

Giáo dân đọc kinh, kính ông thánh - ảnh: HL

Dẫn chúng tôi tham quan dòng MTG Cái Mơn, sau khi chia sẻ các mục vụ của hội dòng, rồi cả chuyện trò về đời sống đạo, sinh hoạt của giáo dân nơi đây, như thể “sẽ thiếu sót nếu quên đi điều này”, ý tưởng vừa nảy ra, dì Anna Lê Thị Vẹn nói gấp: “Ðể dì dẫn các em đi viếng đền ông thánh Minh. Gần đây thôi”. Chúng tôi vâng lời, lẳng lặng theo gót dì. Thoáng cái đã thấy đền sừng sững trước mắt. Ngôi đền khá rộng, được xây dựng theo kiểu mái vòm, phổ biến của Á Ðông. Ðài thánh Minh ở giữa. Chúng tôi đến, khói hương còn nghi ngút. Dì Vẹn nói, nơi này, giáo hữu có lòng sùng kính ông thánh. Ðền nhỏ vậy mà chẳng khác trung tâm hành hương. Chiều, bà con họp lại đọc kinh. Vào lễ kính ông thánh hay dịp đầu tháng 11, nơi đây có lễ. Thỉnh thoảng, người từ miệt khác xa xôi tận Sài Gòn, Bình Dương còn đi xe về, viếng ngài. Anh Nguyễn Xuân Bích, làm nghề xe ôm, một tín hữu trong xứ chia sẻ: “Nơi này không ai không biết đài thánh Minh. Người ở xa hay tới lắm. Riết rồi mình như người hướng dẫn. Mình thấy tự hào vì quê nhà có ông thánh. Nhiều câu chuyện xưa kể về ông thánh truyền lại tới giờ làm người ta tin tưởng, yêu mến đạo. Tôi cũng hay ra đài này, đốt nhang, cầu xin ông thánh chuyển lời”. Anh nói say mê…

Ngôi đền kính thánh Minh tại họ đạo Cái Mơn, giáo phận Vĩnh Long - ảnh: HL

Ðền ông thánh được chăm sóc cẩn thận. Ðiểm ấn tượng nhất, toàn những hoa là hoa. Có lẽ vì xứ này là xứ hoa kiểng, ban đầu tôi trộm nghĩ vậy. Ðang đọc kinh viếng ông thánh, thì thấy có mấy chị lụi cụi tưới hoa. Thì ra, để giữ cho ngôi đền vừa trang nghiêm, vừa đẹp cũng có một “đội ngũ” dày công. Nhóm này là những chị em phụ nữ trong xóm đạo, có nhà gần đài. Chiều chiều, trước giờ nguyện kinh (5 giờ), các chị tưới hoa, làm cỏ. “Nói chung là giáo dân tự nguyện thôi. Bà con thấy ở quê mình có đền ông thánh thì ý thức gìn giữ. Chị em chúng tôi ở gần, chia nhau ra chăm. Bữa nay là tôi thì ngày mai là người khác. Ai rảnh thì lại tưới nước, làm cỏ, chưng hoa…”, bà Trần Thị Liên vừa tưới cây vừa nói. Các chị trồng luôn hoa kiểng vào chậu, để quanh. Tới mùa bán đi, lấy tiền mua nhang đèn, hoa hòe dâng lên ông thánh. Bà nói vui, “coi như làm công quả vậy mà”. Nhưng theo bà tâm sự, những cuộc gặp gỡ khi vào đất, bón phân làm chị em thêm vui. Những lần đọc kinh đài các buổi chiều làm thành thói quen trong nếp sống đạo của dân cư vùng này, hôm nào vắng ai, mấy người khác hỏi thăm liền. Nhà ai có chuyện gì buồn, cần chia sẻ, cũng nhờ đó mà chị em biết, ủi an. Ở tuổi 61, bà cố gắng “tới lui với ông thánh, làm nhiều một chút!”.

Bà Trần Thị Liên đang tưới hoa, chăm sóc đền - ảnh: HL

Ở hai bên trái, phải đài ông thánh là mộ của các vị linh mục từng gắn bó với đất Cái Mơn. Phía sau đền, dãy các ngôi mộ của những nữ tu MTG được bố trí đều đặn. Màu rêu phủ xanh đen trên các cây thập giá.

5 giờ chiều, chúng tôi chào ông thánh lần cuối và từ giã mọi người ra về. Phía sau, lời kinh rôm rả! 

  Hùng Luân