Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Rộng và hẹp

Ở rộng người cười, ở hẹp người chê. Thật khó! Vì “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, chẳng ai có thể sống vừa lòng hết mọi người. Bổn phận của chúng ta là phải sống tốt lành theo lương-tâm-chính-đáng, theo công lý của Chúa, chúng ta không thể ngăn cản chuyện thế gian: “Chỉ đâu mà buộc ngang trời, tay đâu mà bụm miệng người thế gian”. Như văn hào Victor Hugo (Pháp) xác định: “Lương tâm là Thiên Chúa trong mỗi con người”.


Bản tính con người ai cũng thích khoảng rộng cho thoải mái: Nhà to, cổng lớn, lối rộng,… chứ không ai muốn chịu tù túng trong khoảng chật hẹp. Tinh thần cũng vậy. Thế nhưng sự dễ dàng dẫn tới dễ dãi, rồi hóa hư thân, mất nết. Sự thiếu thốn có thể khiến người ta phải hy sinh và chịu đựng nhiều thứ, nhưng chính sự khó nghèo mới khiến người ta thành nhân thực sự. Chúa Giêsu giải thích rạch ròi: “Cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7:13-14). Phàm cái gì nhiều thì thường, còn cái gì hiếm thì quý. Bình thường mà vô thường biết bao! Là người Công giáo, đại văn hào Victor Hugo cũng đã cảm nhận: “Đau khổ là hoa quả, Chúa không khiến nó sinh ra trên những cành quá yếu ớt mà không chịu nổi”.

Thiên Chúa tuyên phán qua ngôn sứ Isaia: “Còn Ta, Ta biết rõ việc làm và ý định của chúng, Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta. Ta sẽ đặt giữa họ một dấu hiệu và sai những kẻ sống sót của họ đến các dân tộc: Tác-sít, Pút, Lút, là những dân thạo nghề cung nỏ, đến dân Tuvan, Giavan, đến những hải đảo xa xăm chưa hề được nghe nói đến Ta và chưa hề thấy vinh quang của Ta. Họ sẽ loan báo vinh quang của Ta giữa các dân tộc” (Is 66:18-19). Cách nói của Cựu ước có vẻ “xa lạ’ với chúng ta ngày nay, nhưng không phải vậy, có lẽ vì cách nói xưa đơn giản và bình dị, còn chúng ta ngày nay phức tạp quá nên hóa “xa lạ” mà thôi.

Rồi Đức Chúa phán tiếp: “Giống như con cái Ít-ra-en mang lễ phẩm trên chén dĩa thanh sạch đến Nhà Đức Chúa, người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa – đưa bằng ngựa, xe, võng cáng, lừa và lạc đà – về trên núi thánh của Ta là Giêrusalem. Và cả trong bọn họ, Ta sẽ chọn lấy một số làm tư tế, làm thầy Lêvi” (Is 66:20-21).

Thiên Chúa là Đấng chí thánh, chí minh và chí thiện, trí óc phàm nhân không thể suy thấu. Cảm tạ và chúc tụng là bổn phận tuyệt đối của chúng ta. Nhận biết được điều tối quan trọng như vậy, tác giả Thánh vịnh mời gọi: “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!” (Tv 117:1). Tại sao? Lý do thật đơn giản nhưng vô cùng chính đáng: “Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm” (Tv 117:2). Đó là tình yêu bao la, sâu thẳm và khôn dò của Thiên Chúa, ngày nay Giáo hội quen gọi là Lòng Chúa Thương Xót. Thực ra Đức Mẹ đã gọi như vậy trong Kinh Magnificat rồi mà chúng ta không để ý: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1:50, 54-55).

Trong cuộc sống đời thường, đứa con nào khó khăn, khổ sở, thì cha mẹ quan tâm hơn. Cha mẹ vì thương con, muốn con nên người nên cũng sửa dạy đứa con nào ngỗ nghịch, như tục ngữ Việt Nam nói: “Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”. Thiên Chúa dựng nên chúng ta nên Ngài vẫn luôn tôn trọng quy luật Ngài đã tạo nên, vì Ngài không muốn “lập dị”. Trong tinh thần đó, Thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt” (Dt 12:5-6). Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?” (Dt 12:7).

Theo bản tính nhân loại, sự thật rất hiển nhiên: “Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính. Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành” (Dt 12:11-13). Rất rõ ràng, rất thực tế!

Đúng ra tục ngữ Việt Nam nói rằng “cái khó ló cái khôn”, nhưng chúng ta thường hiểu sai và đọc sai là “cái khó bó cái khôn”. Không, vì nếu vậy thì còn chi đáng nói! Nhà ái quốc Phan Bội Châu (1867-1940) đã so sánh: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Và chí sĩ Nguyễn Thái Học (1902-1930) cũng dõng dạc: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Chứng tỏ rằng sự gian khó là thứ “xa xỉ phẩm” cần thiết để người ta khả dĩ thành nhân và sống có ý nghĩa hơn. Tức là phải ĐI QUA CỬA HẸP.

Quả thật, chính gian khổ đã tạo nên những vĩ nhân lừng danh thế giới, khiến chúng ta phải tâm phục khẩu phục, trong Công giáo cũng rất nhiều những vị thánh lớn là nhờ “đi đường hẹp”. Vấn đề của chúng ta là có DÁM hay KHÔNG DÁM hành động như vậy mà thôi! Đừng bao giờ việc cớ: Vì, tại, bởi, nếu, giá mà,…

Một hôm, trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ thắc mắc: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” (Lc 13:23). Ngài bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13:24). Có lẽ người hỏi không thỏa mãn chút nào với câu trả lời của Chúa như vậy. Thế nhưng, dù họ không phản ngôn thì chắc hẳn họ cũng thấy có gì đó “khác lạ” và “ngược đời” quá đỗi! Họ im lặng tức là họ đã cân nhắc, cân nhắc thì phải suy nghĩ. Đêm đó, họ sẽ về và phải vắt tay lên trán suy tư về “lời lạ” của Chúa Giêsu, rất có thể họ phải trằn trọc suốt năm canh không chừng!

Chúa biết thừa là họ đang “đâu cái điền” lắm lắm! Kệ, Ngài cứ tỉnh queo: Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào”, thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!”. Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” (Lc 13:22-27). Chúa Giêsu thích giản dị, thẳng thắn, nghiêm túc, nên những điều Ngài nói cũng luôn bình dị, thiết thực và gần gũi với đời sống dân chúng. Hầu như ai cũng có thể hiểu, trừ người câu nệ hoặc cố chấp!

Ngài nói rõ ràng: “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Isaac và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13:28-29). Người Việt chúng ta có câu: “Khi vui chẳng nhớ đến ai, đến khi nóng cứ trái tai mà sờ”. Cái “trái tai” bị chúng ta lợi dụng quá nhiều! Tương tự, khi chúng ta thấy ai đó được hãnh diện về điều gì đó (vì dụ: người đạt giải trong một cuộc thi nào đó), có người bắt khao, có người ganh tỵ, có người làm ngơ, có người bĩu môi,… Đủ dạng, đủ kiểu. Nhưng chúng ta đâu biết rằng người đó đã nỗ lực và khổ luyện như thế nào mới được vậy. Gian khổ càng dày, hạnh phúc càng cao. Thiên Chúa tuyệt đối chí công!

Vào Nước Trời cũng vậy. nếu cứ thảnh thơi và khơi khơi đi vào thì chẳng có gì đáng nói, đáng công, đáng thưởng. Những người chịu thiệt thòi ở cuộc đời này, nếu biết kết hợp với cuộ khổ nạn và tử nạn của Đức Kitô, thì sẽ lợi ích lắm. Chắc chắn Thiên Chúa có kế hoạch độc đáo của Ngài. Những người đó không chỉ chịu thiệt thòi mọi thứ ở cuộc đời tạm này, mà thậm chí họ còn bị chúng ta khinh khi, miệt thị, ruồng rẫy. Nếu họ chịu khổ đủ thứ mà “tương lai” không rạng rỡ thì hóa ra Chúa bất công. Không phải vậy! Và Ngài tuyên bố thẳng thắn: “Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13:30).

Câu nói này là lời “nhắc khéo” mà Chúa Giêsu đang nói với những ai đang an nhàn hưởng thụ cuộc sống, đang ung dung tự tại, đang vinh thân phì da ở đời này vậy!

Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con biết “lách mình” vào những hang cùng ngõ hẻm của cuộc đời để chúng con tôi luyện chính mình mau chóng nên hoàn thiện và nên giống Con Một Yêu Dấu của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU